Trong ba năm từ 2019 đến 2021, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn lớn nhất, vượt qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ thị trường cổ phiếu. Nhưng năm 2022, tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp tụt dốc không phanh…
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất ảm đạm. Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, chỉ có 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng, giảm tới 56% so với cùng kỳ.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm tốc đã được các chuyên gia dự báo từ lâu với loạt tồn tại thể hiện ở tất cả chủ thể tham gia thị trường. Do đó, diễn biến này có thể hiểu chỉ là chuyện sớm hay muộn và cần phải được đánh giá cẩn thận để khơi thông kênh vốn này.
Với góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, nhìn nhận, chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không rõ ràng. Hiện tại, có hơn 95% giá trị lưu hành là phát hành riêng lẻ vốn mang nhiều bản chất của tín dụng dự án.
Đồng thời, nhìn lại cơ cấu phát hành của ba năm đỉnh cao 2019-2021, có đến khoảng 80% tổ chức phát hành là các doanh nghiệp chưa niêm yết và phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập vốn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh kiểm soát tín dụng bất động sản trong vài năm trở lại đây. Nhìn kỹ hơn vào chỉ số cơ bản của các tổ chức phát hành chưa niêm yết này thì thấy năng lực tài chính rất yếu và có hệ số đòn bẩy tài chính rất cao, nhiều công ty chưa có doanh thu và dòng tiền lịch sử đáng kể.
Ví dụ, riêng các tổ chức phát hành trong ngành bất động sản có hoạt động phát hành năm 2021 thì khả năng bao phủ nợ vay ròng/vốn lên tới 8,1 lần vào năm 2020, trong khi kỳ hạn huy động bình quân khoảng ba năm. Như vậy, nguồn tiền trả nợ cơ bản phụ thuộc vào khả năng huy động, sau đó mở bán và lấy tiền trả nợ vay.
“Chất lượng hàng không rõ ràng cũng thể hiện ở việc thông tin về nhà phát hành gần như “mù tịt”. Trên thị trường trước đó chỉ có các thông tin mang tính nặng về quảng cáo trái phiếu của các đơn vị và cá nhân đi bán hàng”, ông Thuân nói.
Cũng phải nói thêm, yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ an toàn của thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng chính là chất lượng của tổ chức phát hành huy động vốn.
Thông thường, những doanh nghiệp có bề dày hoạt động với uy tín, thương hiệu, tuân thủ pháp luật và luôn đáp ứng các chỉ số an toàn tài chính chuyên ngành, có hiệu quả kinh doanh cao, có xếp hạng tín nhiệm cao…trên thị trường sẽ thu hút được đối tác, khách hàng tốt và sẽ huy động vốn được dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn, tạo lợi thế để cạnh tranh phát triển tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp này sẽ luôn có động lực để tìm mọi cách phát triển hoạt động kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, vay trả đúng hạn, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong kinh doanh để giữ uy tín, thương hiệu.
Thực tế, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 thì không có doanh nghiệp được xếp hạng AAA và AA nào ở Malaysia bị mất khả năng thanh toán. Thế nhưng có 6,4% doanh nghiệp xếp hạng A và 33% doanh nghiệp xếp hạng BBB, 50% doanh nghiệp xếp hạng B bị mất khả năng thanh toán.
Về phía cầu, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, số liệu được công bố cho thấy, cơ cấu nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gồm ngân hàng 20%; các tổ chức trong nước 20%; còn lại khoảng 60% do công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân nắm giữ.
Điều đáng nói, hầu hết các công ty chứng khoán mua xong thì phân phối phần lớn cho nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ hơn một nửa số trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Trong khi, họ chủ yếu xuống tiền đầu tư vì lãi suất cao, không để ý đến rủi ro hoặc bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của cơ quan quản lý.
Trước ảnh hưởng hiện nay của vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, hiện có nhiều ý kiến về việc đề xuất sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ qua việc hình thành quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tương tự những gì đã và đang thực hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí như Chương trình tham gia mua trái phiếu thứ cấp tại Mỹ.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, cách này không khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt như đã nói phải là câu chuyện niềm tin. Tiếp đến, các giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn cũng như có thể góp phần chữa cháy ngắn hạn.
Trong nhiều cuộc họp gần đây, lãnh đạo cơ quan quản lý đã nhận thức rất rõ việc lấy lại niềm tin, tìm lại bức tranh tươi sáng là trách nhiệm của mình. Để làm được điều này, Bộ Tài chính đã nhanh chóng xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 65 với nhiều hy vọng thay đổi tình hình, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tổng Hợp
(VnE)