Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục giúp nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng tốc. Sẽ có nhiều thách thức trong điều hành giá năm 2023…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn những tháng cuối năm, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, đảo chiều tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Trong điều kiện sức mua còn yếu, một bộ phận người lao động cuối năm còn bị giãn việc, nghỉ việc với số lượng hàng chục nghìn người, tiền thưởng có đơn vị còn chậm nhưng dự báo tăng trưởng bán lẻ trong dịp Tết sắp tới khoảng 10-20% so với trước đại dịch.
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, các bộ, ngành, địa phương phải cùng phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.
Hơn nữa, để đảm bảo phục vụ dịp Tết an toàn, tiết kiệm, Tết cho mọi gia đình, các doanh nghiệp bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn cần rộng cửa đón hàng hóa, nông sản, thực phẩm, nhất là sản phẩm Việt để tạo quỹ hàng hóa; đồng thời, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn cung lớn, giá cả ổn định trước và trong Tết. Một số đơn vị có kho dự trữ cần bổ sung thêm, đề phòng thiếu hụt cục bộ. Tổ chức bán hàng thuận tiện, quảng cáo tiếp thị, nâng cao văn hoá phục vụ khách hàng, xây dựng thương hiệu lâu dài.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tạo được niềm tin vững chắc nơi người tiêu dùng trong giai đoạn phục vụ đặc biệt dịp cuối năm, bởi mất niềm tin là mất tất cả.
Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng… có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và giá cả không có biến động lớn, nên thị trường tương đối bình ổn.
Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thực phẩm mà chúng ta tự túc được để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý điều hành giá năm 2022 còn một số tồn tại, hạn chế, thể hiện rõ nét ở hai mặt hàng trọng yếu.
Thứ nhất, năm 2022 là một năm “đặc biệt” của thị trường xăng dầu khi chứng kiến giá xăng tăng phi mã, có lúc lên tới trên 32.000 đồng/lít, giá dầu diesel đắt hơn giá xăng…
Tính chung năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít.
So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, đây là nhân tố gây áp lực tăng CPI lớn nhất trong năm và làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.
Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.
Giai đoạn giữa quý 3 đến đầu quý 4/2022, nguồn cung xăng dầu nhiều lúc khan hiếm trong khi dự trữ xăng dầu rất mỏng chỉ từ 5 đến 7 ngày. Mặt khác, chi phí vốn cho chuỗi kinh doanh xăng dầu không đủ, dẫn đến một số đơn vị được cho là làm ăn nghiêm túc vẫn phải dừng nhập khẩu, hoặc tạm ngừng bán ra cho người tiêu dùng vì khó cầm cự cảnh thua lỗ kéo dài.
Song, việc điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước được phân công trong lĩnh vực này lại lúng túng, bị động, có lúc chậm trễ khi giải quyết những kiến nghị về thiếu chiết khấu, chi phí kinh doanh, do đó, gây gián đoạn khi cung ứng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ hai, mặt hàng thịt lợn, chiếm tới 65-70% lượng thịt các loại của các gia đình, vì vậy được xã hội và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Từ cuối năm 2021 đến tháng 8/2022, giá lợn hơi vẫn đứng ở mức cao khoảng 75.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, giá lợn hơi giảm dần ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và đến gần cuối tháng 12, giá đã hạ xuống mức rất thấp, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg hơi. Do chi phí đầu vào của chăn nuôi lợn tăng cao nên giá thành chăn nuôi dao động khoảng 60 – 62.000 đồng/kg.
Nếu tình hình tiếp tục đến Tết âm lịch và cả sau Tết thì các hộ chăn nuôi sẽ lỗ vốn rất lớn. Tuy nhiên, những giải pháp để kéo giá lợn lên như xuất khẩu, cấp đông dự trữ… đều vướng mắc nên trước mắt chưa thể thực hiện được trong năm 2022.
Bài học rút ra đó là: cần nắm chắc số liệu thống kê của đàn lợn trong nước, thực hiện tốt công tác dự báo về giá cả, cân đối cung cầu từng thời kỳ và vấn đề xuất khẩu chính ngạch ổn định, đi đôi với việc chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, tái đàn… đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi cá thể một cách ổn định.
Tổng Hợp
(VnE, VOV)