Trước đây, doanh nghiệp bảo đảm cho trái phiếu phát hành bằng cổ phiếu, nay có thể bổ sung bằng bất động sản hoặc tài sản khác. Đây là “lối mở” cho doanh nghiệp phát hành mới thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp thế chấp tài sản là cổ phiếu để phát hành trái phiếu, nhưng giá cổ phiếu liên tục rớt mạnh, nhà đầu tư thấy rủi ro và không muốn “ôm” thêm cổ phiếu. Nay, theo quy định mới, việc cho phép nhận thế chấp bằng tài sản khác như bất động sản sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn. Tuy vậy, với doanh nghiệp đã phát hành, các quy định trên có thực thi được hay không phụ thuộc rất lớn vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và trái chủ (nhà đầu tư mua trái phiếu).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, về lâu dài, Chính phủ có thể thực hiện chương trình hoãn nợ (Credit Moratorium) trong 1 năm cho tất cả các nhà phát hành đúng luật. Trong chương trình này, các trái chủ không được yêu cầu trả nợ hoặc kiện nhà phát hành. Trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình cho vay đặc biệt để các nhà phát hành phục hồi kinh doanh, có nguồn lực trả nợ cho các trái chủ.
“Đồng thời, phải xử lý dứt điểm các sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi sẽ giúp thị trường tài chính hoạt động minh bạch, bền vững và nâng tầm, thu hút thêm những dòng vốn mới, đặc biệt là dòng vốn ngoại”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đang tính toán lại các phương án xử lý trái phiếu đến hạn theo khuyến nghị của Bộ Tài chính. Đơn cử, một doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn tại TP.HCM đề xuất hợp tác kinh doanh, gia hạn thanh toán hoặc chuyển đổi sang bất động sản với ưu đãi tốt hơn trước, còn trái chủ có thể chuyển đổi giá trị trái phiếu để đặt mua các bất động sản và được chuyển nhượng tài sản hoặc được cam kết mua lại 120% giá chuyển nhượng sau 24 tháng…
Một phương án khác là gia hạn lô trái phiếu thêm 24 tháng với mức lãi suất cộng thêm là 1,5%/năm trên lãi suất hợp đồng trước đó, hoặc có thể tham gia hợp tác đầu tư với mức lãi suất 12%/năm, được hưởng các chính sách ưu đãi khi muốn chuyển đổi sang các sản phẩm bất động sản.
Một số doanh nghiệp tại thị trường phía Bắc cũng đề xuất phương án gia hạn thêm 12 tháng với lãi suất cộng thêm 2%/năm, hoặc có thể chuyển đổi sang mua ngay bất động sản với giá chiết khấu từ 20-50% và cam kết mua lại đến 115% tài sản.
Một thông tin quốc tế đáng chú ý khi dữ liệu của ICE Data Services (Mỹ) công bố tuần trước cho thấy, tổng lợi nhuận trái phiếu lợi suất cao của châu Á đã tăng 18% trong tháng 11/2022, bao gồm tăng giá và thanh toán lãi. Đây là tháng tốt nhất của thị trường này trong hơn 10 năm qua.
Trong đó, giá trị của số trái phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD phát hành hồi tháng 10/2022 của một trong những công ty bán căn hộ lớn nhất Trung Quốc là Country Garden Holdings đã tăng hơn 5 lần chỉ sau 1 tháng, cho thấy nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng trả nợ của doanh nghiệp này khi đáo hạn (tháng 1/2024).
Chất xúc tác chính là việc Chính phủ Trung Quốc tung ra biện pháp hỗ trợ thị trường nhà ở đang suy thoái bằng cách nới lỏng quy định hạn chế cho vay đối với các công ty bất động sản, đồng thời thay đổi chính sách “zero Covid” đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp cũng tạo kỳ vọng sẽ giúp thị trường này nhanh chóng được khơi thông trở lại, qua đó sớm tháo gỡ nút thắt vốn cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng, củng cố niềm tin cho các trái chủ.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVCS), việc giãn nợ trái phiếu cho phép cả ngân hàng cũng có thể giãn thời gian thanh toán mà không làm chuyển nhóm nợ, tức là trước mắt ngân hàng không phải quá lo lắng về việc trích lập dự phòng cho các lô trái phiếu có rủi ro không thể thanh toán khi đáo hạn, hay khả năng hình thành nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho hay, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 đề cập tới việc lùi thời gian đáo hạn trái phiếu tối đa là 2 năm, cho phép chuyển đổi hoặc bổ sung tài sản khác… sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để xoay xở.
Chỉ số xếp hạng về thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 trong năm 2022 – đây là thông tin trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2022) diễn ra đầu tuần qua.
Những thay đổi về cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.
Không chỉ lĩnh vực khởi nghiệp, xếp hạng thể chế tăng cao cũng tạo thuận lợi cho nhiều ngành nghề khác, dễ thấy nhất là trong bối cảnh 2 lĩnh vực tài chính và bất động sản đang “căng” bởi tín dụng và thanh khoản, phản ứng nhanh chóng và linh hoạt của cơ quan quản lý trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi nhận thấy tín hiệu tích cực hơn từ thị trường thế giới đã giúp giảm bớt áp lực cho thị trường trong nước, tránh được nguy cơ “sụp đổ” niềm tin.
Thực tế, thời gian qua, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ liên tục có những chuyến công tác xuôi ngược Bắc – Nam, xuất hiện tại các công trường hạ tầng chiến lược để kiểm tra, đôn đốc, động viên. Trong các các chuyến công tác, các buổi làm việc đó, Thủ tướng đều nhấn mạnh thông điệp: “Ai làm sai thì phải xử lý, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp tác của người dân, doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa thị trường theo quy định của pháp luật”. Điều này cũng là để củng cố niềm tin cho người dân, nhà đầu tư.
Lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và nhiều doanh nghiệp đang có dự án bị “tắc” trên địa bàn Thành phố để bàn giải pháp tháo gỡ. Sau đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có văn bản khẩn chỉ đạo Sở Xây dựng làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở và các quận huyện để nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND TP.HCM hướng xử lý.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán)