Sau quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5 – 2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tung các chương trình ưu đãi để đẩy vốn ra nền kinh tế.
Thông điệp được đưa ra khi nới room tín dụng của NHNN là việc phân bổ thêm room sẽ dành cho các ngân hàng có thanh khoản tốt, có chính sách giảm lãi suất cho vay và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Theo thông tin từ cuộc họp các ngân hàng vào giữa tháng 12, khoảng 16 ngân hàng công bố chương trình giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đối với các lĩnh vực ưu tiên, với mức lãi suất giảm cao nhất là 3,5%/năm.
Những cái tên có thể được nhắc đến như: SHB, VIB, HDBank, Techcombank, ACB, ABBank,…
Động thái trên của các ngân hàng cho thấy sự tích cực muốn đưa vốn vào nền kinh tế của các nhà băng trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao nhất là vào vụ mùa cuối năm.
Các “ông lớn” Big4 tiên phong khi Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11 và giảm tối đa 20% với các khoản vay trong tháng 12 tuỳ từng đối tượng, lĩnh vực.
Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu đến hết 31/12/2022. Ngân hàng ước tính tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.
BIDV với mức giảm cao hơn từ 0,5%- 2,5%/năm với các khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…
Mới đây nhất, LienVietPostBank cũng công bố gói hỗ trợ quy mô 3.000 tỷ đồng để giảm lãi suất vay lên tới 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.
Bên cạnh đó, theo ngân hàng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn cũng được hỗ trợ giảm lãi suất trong hai tháng cuối năm 2022, vốn được xem là cao điểm về nhu cầu vốn vay, góp phần giảm bớt áp lực khó khăn về chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các TCTD thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm. Việc làm này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các TCTD, qua đó giúp các TCTD có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5-2%/năm.
Tuy nhiên, có thể thấy, tình hình thanh khoản trong hệ thống có dịu bớt nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các ngân hàng. Hiện đang có tình trạng khách hàng ở ngân hàng nhỏ chuyển sang gửi tiền ở ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn sau một số biến cố. Vì vậy, ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong huy động vốn nên buộc phải giữ lãi suất huy động ở mức cao hơn để hút khách. Do đó lãi suất ưu đãi đang chủ yếu đến từ ngân hàng lớn. NHNN có thể xem xét hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 – 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5 – 4%, tức là lượng vốn các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào.
“Các ngân hàng thương mại cũng đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ 1, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, trong vòng 3 tuần chúng ta có room tín dụng 3,5 – 4% thì cực kỳ nhiều”, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, để cung cầu tín dụng gặp nhau, chất lượng khoản vay phải đảm bảo, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, trong đó 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn đang được tiếp cận lãi suất ưu đãi ở mức 5,5%/năm.
Để đảm bảo các ngân hàng thương mại có đủ nguồn vốn cho vay, lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài kỳ hạn cho vay qua thị trường mở lên 91 ngày, thay vì mức 14 ngày như thường lệ.
Từ ngày 7/12 đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ quan điều hành cho vay gần 3.000 tỷ đồng thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay sau khi nới hạn mức tín dụng.
Tổng Hợp
(VTV, Doanh Nghiệp và Kinh Doanh)