Sáng 15/12, tại diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua tăng trưởng rất nhanh, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện các địa phương có hơn 1000 dự án cần phải tháo gỡ.
Bất động sản là lĩnh vực liên quan và tác động đến nhiều ngành nghề. Chính vì thế, bất động sản được người dân, doanh nghiệp, các tổ chức rất quan tâm.
Trong thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thành lập Tổ công tác đại diện các bộ ngành với mục đích đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo Thứ trưởng, trong quá trình làm việc với địa phương, doanh nghiệp, một số nhóm vấn đề vướng mắc của bất động sản được Tổ công tác nhận thấy về báo cáo lên Chính phủ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ, thứ nhất là vướng mắc về quy định pháp lý như sự chồng chéo mẫu thuẫn giữa các luật hay việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Một số vướng mắc khác như đền bù dự án, định giá đất, hay vấn đề quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy định về đấu thầu dự án hay liên quan đến vấn đề về quỹ đất dành cho nhà ở… Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, những vướng mắc này đã tác động lớn đến nguồn cung bất động sản.
Về vấn đề giải quyết điểm nghẽn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tổ công tác đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để đôn đốc tháo gỡ khó khăn, nhất là rà soát lại các dự án đang triển khai, đủ pháp lý nhưng có khó khăn. Đối với dự án còn vướng pháp lý, phải rà soát lại báo cáo, làm rõ nội dung vướng mắc, trên cơ sở đó có tháo gỡ nhất là dự án nhà ở thương mai.
Theo Thứ trưởng, hiện các địa phương có hơn 1000 dự án cần phải tháo gỡ. Nếu tháo gỡ được thì nguồn cung được bổ sung rất đáng kể. Cùng với việc cải tạo chung cư cũ tại thành phố lớn, nguồn cung đất động sản trong thời gian tới sẽ được giải quyết. Một số vấn đề như tài chính, tín dụng cũng đã Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ.
Với hàng loạt các biện pháp tháo gỡ, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh đóng góp của lĩnh vực bất động sản, thị trường đã có dấu hiệu không ổn định, xuất hiện nguy cơ dẫn đến bong bóng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ ra các thông số bất cập của thị trường. Đầu tiên, nguồn cung bất động sản gặp khó khăn. Nhiều dự án thực hiện đầu tư đang vướng về mặt thủ tục pháp lý, phải dừng hoặc hoãn tiến độ. Số lượng dự án bất động sản thời gian qua giảm mạnh. Tính đến hết quý III chỉ có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% dự án cùng kỳ so với năm 2021. Dự án thương mại chỉ bằng 54% so với năm 2021.
Thứ hai, cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu với thị trường. Nguồn cung nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi đó dự án giá bình dân, trung bình, phù hợp đại đa số người dân lại ít, đặc biệt dự án nhà ở cho công nhân.
Thứ ba, lượng giao dịch bất động sản thời gian qua suy giảm mạnh. Tính thanh khoản của thị trường giảm nhất khi đi vào quý IV.
Thứ tư, mặc dù lượng giao dịch giảm, giá nhà vẫn ở mức cao, chủ yếu phân khúc nhà ở thương mại, cao cấp, dẫn tới giá không phù hợp với đại đa số người dân. Người dân khó tiếp cận với nhà ở do giá cao.
Thứ năm, nhiều dự án gặp khó khăn phải dừng thi công. Tình trạng này xảy ra nhiều và đang tiếp tục gia tăng.
Thứ sáu, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu… Điều này khiến doanh nghiệp không có vốn, phải dừng triển khai dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật tự nguyên vật liệu cũng tăng, tác động hoạt động các doanh nghiệp hoạt động trong đầu tư bất động sản. Một số doanh nghiệp trước tình trạng khó khăn phải thu hẹp quy mô, tinh giảm bộ máy, dừng đầu tư xây dựng nhất là nhóm các nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong bất động sản còn gặp khó khăn do tâm lý của người mua bị ảnh hưởng từ một số dự án không đảm bảo pháp lý dẫn đến mất niềm tin, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trước đó, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác.
2 Tổ phó gồm: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Các thành viên gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Tổng Hợp
(Báo Chính Phủ, Nhịp Sống Thị Trường)