Chưa thấy dấu hiệu dòng tiền quay trở về với bất động sản những tháng cuối năm này. Rất khó kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực hơn của thị trường từ giờ đến Tết.
Như vậy, nguồn vốn để triển khai dự án, để mua bất động sản vẫn chủ yếu phục thuộc vào vốn tín dụng. Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản nói chung, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản nói riêng đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.
Nếu không khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả theo khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định “Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng”, thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: năm qua, nguồn kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Không chỉ năm 2021 mà trong nhiều năm trở lại đây lượng kiều hối về Việt Nam đều rất ổn định, tăng tích cực với quy mô lớn, trên dưới 10 tỷ USD. Lý do nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực là bởi Việt Nam đang có một môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều.
Thực tế cho thấy, dù kiều bào ở nước ngoài có thể vẫn gặp khó khăn vì đại dịch nhưng họ sẵn sàng gửi tiền về để hỗ trợ người thân, gia đình và tham gia đầu tư. Tuy nhiên, năm nay, theo ông Ánh, đầu tư vào bất động sản không thuận và do bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu nên dòng kiều hối đổ vào bất động sản sẽ không được như kỳ vọng.
HoREA cho rằng các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, mà Nhà nước chỉ cần hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.
“Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA bày tỏ.
Mới đây (ngày 5/12/2022), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%, tương đương khoảng gần 200.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường.
Ông Châu đánh giá nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
“Phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão. Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn về huy động vốn”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng khi nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ,… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, bất động sản lại bị xếp vào lĩnh vực rủi ro, vì vậy, cơn “khát vốn” của thị trường bất động sản vẫn chưa thể sớm được xoa dịu.
Trên thực tế thị trường bất động sản hiện đối mặt với 3 vấn đề vô cùng thách thức. Thứ nhất, thị trường đang điều chỉnh rất mạnh sau hơn 2 năm tăng trưởng tương đối nóng. Thứ hai là câu chuyện về pháp lý vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Thứ ba liên quan đến vốn.
Động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tín hiệu cực vui, tin tốt cho thị trường bất động sản khi nhiều nhà đầu tư có nhu cầu vốn giải ngân giai đoạn này.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào phân khúc đầu cơ thay vì đi vào nhu cầu thực. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, có 3 lý do khiến dòng vốn sẽ chảy đến đúng với người có nhu cầu ở thực.
Đầu tiên là các hồ sơ đang chờ giải ngân đã được các ngân hàng rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua. Những hồ sơ này phải đảm bảo điều kiện tốt về pháp lý và có nhu cầu thực. Ngoài ra thời điểm hiện tại việc cho vay đầu cơ đều gây rủi ro cho cả người đi vay và người vay trong bối cảnh tương lai bất định, lãi suất cao.
Thứ hai là bài học kinh nghiệm của cả hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tích lũy được thời gian qua. Họ biết giải ngân biết như nào để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực người dân mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Tổng Hợp
(VnE, Dân Trí)