Tại TP.HCM, thời gian gần đây, tình trạng rao bán nhà dù không rầm rộ nhưng có chiều hướng tăng lên, trong đó có những trường hợp do kẹt dòng tiền hoặc nợ ngân hàng cần bán nhanh nên chấp nhận với giá “mềm” hơn so với giá thị trường từ 5 -10%, cá biệt có trường hợp lên đến hơn 15%. Nhiều nhà đầu tư có tiền tươi đang âm thầm bắt đáy…
Có một thực tế là không chỉ giai đoạn hiện tại, mà cả những giai đoạn trước, mỗi khi thị trường bất động sản gặp khó thì nhà phố luôn là phân khúc giữ giá tốt nhất và luôn có thanh khoản, cũng là phân khúc “chạy” nhanh nhất khi thị trường phục hồi. Đó là lý do khiến biên độ tăng giá của nhà phố luôn cao hơn so với các phân khúc khác và trở thành “khẩu vị” ưa thích của người có nguồn tài chính mạnh.
Dường như đã thành thông lệ, mỗi khi thị trường bất động sản biến động, nhà phố lại trở thành kênh trú ẩn an toàn của người dư dả tiền mặt.
Thời gian qua, xuất hiện những làn sóng đổ về tỉnh lẻ để đầu tư, một phần vì nhà ở tại TP.HCM giá neo rất cao, phần khác do nhiều người có xu hướng đầu tư theo phong trào. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại, hầu hết phân khúc ở xa trung tâm, không đáp ứng nhu cầu ở hay sử dụng bị “đóng băng”, dòng tiền nhanh chóng được rút ra và quay trở lại tìm mua nhà phố tại trung tâm thành phố bởi đây là tài sản trú ẩn phù hợp nhất, vừa “né” được lạm phát, vừa có khả năng khai thác kinh doanh mang lại dòng tiền ngay.
Thông thường, các giao dịch ở phân khúc nhà phố đòi hỏi có nguồn vốn lớn, nên dù thanh khoản thị trường chung gặp khó, nhưng vẫn xuất hiện nhiều giao dịch giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng được thực hiện. Thực tế này cho thấy, nguồn tiền trong dân còn nhiều, vấn đề là họ chấp nhận đầu tư lúc này hay chờ đợi, hoặc đầu tư vào đâu cho an toàn mà thôi.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn khu vực phía Nam, diễn biến thị trường hiện nay cho thấy, các phân khúc bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực như đất nền, nhà phố trong các khu dân cư có pháp lý hoàn thiện đã xác lập một mặt bằng giá mới nên khó có thể giảm, mà chủ yếu đi ngang trong thời gian tới. Riêng với phân khúc nhà phố trung tâm, không chỉ là nhu cầu để ở, mà còn có thể khai thác kinh doanh nên luôn là “khẩu vị” ưa thích của nhà đầu tư dồi dào tài chính.
“Nhiều người khó khăn, nhưng cũng không ít người có tiềm lực tài chính xem đây là giai đoạn hiện thực hóa các cơ hội đầu tư, đặc biệt là khi áp lực lạm phát gia tăng, nhà phố được xem là một trong những loại tài sản ‘tránh bão’ lạm phát phù hợp nhất”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của các môi giới trong phân khúc nhà phố, hầu hết những người quyết định bán nhà thời điểm này đều trong tình trạng chịu sức ép lớn về tài chính, nếu không sẽ chẳng bao giờ bán bởi vừa khó bán giá cao, vừa dễ bị ép giá. Trong khi đó, thanh khoản thị trường nhà phố giai đoạn này có sự giảm sút so với trước đây, nhưng đó là với trường hợp người bán vẫn neo giá cao, chỉ cần rao giá thấp hơn so với giá thị trường là lập tức có người mua.
“Phân khúc nhà phố ít khi nào giá giảm sâu, chỉ cần giảm 5-10%, cao lắm là 15% là có người xuống tiền ngay. Nhiều người có tâm lý thị trường khó khăn muốn mua với giá giảm sâu hơn nên mất cơ hội”, theo một môi giới nhà phố chuyên nghiệp nói, đồng thời đưa ra dẫn chứng, đầu tháng 11/2022, một căn nhà có diện tích hơn 200 m2 trên đường nhánh dọc khu Hoàng Diệu thuộc TP. Thủ Đức do chủ nhà kẹt tiền nên cần bán gấp. Lúc đầu rao giá 22 tỷ đồng, bên mua trả xuống 20 tỷ đồng, sau đó chủ nhà chấp nhận bán với giá 21 tỷ đồng, bằng với giá mua vào thời điểm năm 2020, nhưng bên mua vẫn chần chừ và chỉ vài tiếng sau đó đã có người khác chốt mua với giá 21 tỷ đồng.
Theo môi giới này, với thị trường nhà phố, dù bất cứ giai đoạn nào cũng luôn có “làn sóng ngầm” trong giao dịch lẫn giá cả. Đặc thù của thị trường này là không cố định giá, mà quan trọng là người mua cảm thấy hợp lý hay không, nên không hiếm trường hợp có những căn được mua với giá chênh so với thị trường hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng chỉ đơn giản là do người mua thích.
Giới chuyên kinh doanh dòng sản phẩm này nhận định, nhà phố luôn có sức hấp dẫn và tính thanh khoản, kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất. Theo khảo sát của các đơn vị môi giới nhà phố, thời gian gần đây, lượng người tìm kiếm nhà phố để mua tăng lên, nhất là tại các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 10 và Phú Nhuận, nguyên nhân một phần do khó khăn về thanh khoản, một bộ phận nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường vùng ven để mua nhà tại trung tâm thành phố nhằm khai thác cho thuê, thu về dòng tiền ngay. Tuy nhiên, khác với trước đây, thay vì thuộc về bên bán do nhu cầu mua lớn, lợi thế hiện nghiêng về bên mua vì phần lớn trường hợp bán nhà lúc này đều đang rơi vào thế kẹt tiền, khát vốn.
Tổng Hợp