Đây không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách?
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trên là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – cho rằng, thời gian qua, hầu hết ngân hàng đã sử dụng hết các room được phân phối khiến thị trường bất động sản gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng.
Ông Thanh đánh giá, hành động nới room tín dụng thêm 1,5-2% của Ngân hàng Nhà nước là rất tích cực và cần thiết cho thị trường bất động sản lúc này. Song, việc nới thêm tín dụng chỉ giải quyết được một phần của nhu cầu cho những dự án bất động sản đang rất tốt, cần thêm nguồn vốn để triển khai nốt, từ đó tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
“Với nhà đầu tư cá nhân, người có nhu cầu mua nhà ở thực họ cũng sẽ cân nhắc đến khả năng chi trả khi vay mua trong bối cảnh lãi suất đang cao”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, để kích thích được thanh khoản trở lại cần yếu tố từ 2 phía là người mua và người bán. Hiện nay, nhu cầu ở thực đang rất lớn, song các chủ đầu tư cần xem xét đến giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người mua.
“Mức giá nhiều dự án hiện nay đang khá cao, để có thanh khoản tốt, chủ đầu tư cần có những ưu đãi, chiết khấu để người mua cảm thấy phù hợp. Khi bán được hàng, các chủ đầu tư tiếp tục sẽ có nguồn vốn để triển khai các dự án khác, lúc này thị trường sẽ trở nên tốt hơn hiện tại”, ông Thanh nói.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, sẽ có ít nhất hơn 150.000 tỷ đồng được phân bổ thêm cho các ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) – cho rằng, nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, để kênh trái phiếu dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Nhận định về tác động nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với thị trường bất động sản, ông Châu cho rằng, đây không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.
Tổng Hợp