Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Thanh khoản nền kinh tế là vấn đề được quan tâm. Khi nền kinh tế đang rất khát vốn để phục hồi sau đại dịch COVID-19, thị trường vốn lại rơi vào hoàn cảnh “bế tắc” khi chứng khoán vẫn đang trong diễn biến khó lường nên doanh nghiệp khó phát hành tăng vốn, trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 11 mới chỉ ghi nhận vài cái tên rục rịch phát hành trở lại, tín dụng thì “hết room”.
Dữ liệu từ CTCP Chứng khoán VnDirect cho thấy tín dụng hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 10/2022 đã tăng 16,5% so với cùng kỳ và 11,5% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (tăng 8,8% so với đầu năm).
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% (trong khi 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,44%). Điều này cho thấy tín dụng tăng chậm lại khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Theo cơ quan quản lý, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Tổng Hợp