Một trong những trọng số cho thấy mức độ an toàn vẫn ở ngưỡng cho phép là cuối năm ngoái khi Tập đoàn Evergrande Trung Quốc “vỡ nợ”, thống kê của Fiin Group cho thấy, chỉ số vòng quay hàng tồn kho của các doanh nghiệp Việt Nam, căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2021 vẫn ở ngưỡng cho phép với chỉ khoảng 900 ngày, tương đương khoảng 2 năm tiêu thụ. Đây cũng là cơ sở để đơn vị này đánh giá triển vọng không quá kém lạc quan của thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, một số ý kiến cho rằng, bất động sản đã trải qua tăng trưởng nóng, cần phải “hạ nhiệt” để người dân có cơ hội sở hữu nhà ở. Quan điểm này ở góc độ nào đó cũng đúng, nhưng lại chưa đầy đủ, bởi nền kinh tế không vận hành đơn giản như vậy.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, bất động sản là ngành quan trọng, có tới ít nhất 40 ngành phụ trợ, nổi bật như thép, xây dựng… đều là các lĩnh vực thâm dụng vốn và lao động. Ngành bất động sản tê liệt sẽ có ảnh hưởng dây chuyền khó lường đến cả nền kinh tế.
Theo phân tích của lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, trong hai khía cạnh khiến sức mua trong dân giảm, gồm thu nhập của người dân giảm sút và tâm lý không dám hoặc chờ đợi thị trường ổn hơn mới mua thì điều đáng lo ngại nhất nằm ở khía cạnh thứ hai. Đây là câu chuyện gắn với niềm tin của người dân với thị trường bất động sản và cả nền kinh tế, nhất là đối với các chính sách vực dậy nền kinh tế sau hai năm Covid-19 khó khăn.
Việc có ngay những giải pháp tháo gỡ thanh khoản cho thị trường là điều cần thiết. Từ đầu tháng 10 đến nay, bên cạnh những nhà đầu tư ngộp hàng, một số doanh nghiệp cũng chung tay tháo gỡ thị trường bằng cách tăng chiết khấu, đây là một bước đi khôn ngoan, vừa kích được thanh khoản, nhà đầu tư có thể mua được giá tốt mà doanh nghiệp cũng có ngay một lượng tiền mặt nhất định để kinh doanh.
Trong cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản, nguồn thu khách hàng trả trước chiếm một phần rất lớn, bên cạnh vốn tín dụng hay trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị tăng thêm 1 – 2% trần tín dụng để tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường là một giải pháp khả thi.
Tất nhiên, bên cạnh việc nới room, các ngân hàng cũng có thể chọn lọc, phân loại đối tượng được hỗ trợ vay vốn. Chẳng hạn như tập trung cho vay một số doanh nghiệp có uy tín, tập trung xây dựng các dự án, đô thị mang lại nhiều giá trị như phục vụ cho người có thu nhập trung bình, nhà ở thương mại. Hay các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chỉ cần bơm vốn là có thể tái khởi động thì cũng cần xem xét.
Khi qua 9 tháng, số ngày tồn kho bất động sản trung bình toàn ngành tăng lên 1.500 ngày (theo số liệu của chính Fiin Group), tức phải khoảng 4 năm mới tiêu thụ hết, những nỗi lo về thị trường có nguy cơ rơi vào tình trạng đóng băng thanh khoản đã bắt đầu hiện rõ.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) được công bố gần đây, lượng giao dịch của thị trường và tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và giảm mạnh so với giai đoạn đầu năm.
Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Bên lề cuộc họp giữa các doanh nghiệp địa ốc phía Nam và đại diện Bộ Xây dựng hôm 8/11/2022 tại TP.HCM, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngậm ngùi chia sẻ rằng “chưa bao giờ thấy tình hình khó khăn đến vậy”. Dòng tiền cạn, hàng thì ế, lãi suất tăng cao khiến mọi chi phí phải tiết giảm tối đa. Trong cơn bĩ cực, doanh nghiệp phải giảm lương, rồi cắt giảm nhân sự.
Tổng Hợp