Trong các báo cáo dày đặc qua nhiều năm của cơ quan có trách nhiệm, mà không hề thấy câu từ nào nhận định, kết luận có một thị trường toàn “bán buôn” như… người trong ngành bất động sản nói. Một chuyên gia nói rằng, miếng đất, căn hộ là “vật chủ” để người ta “ký sinh”.
Trong khi nhà ở bình dân “mất tích”, nhà ở xã hội “heo hút”, thì tổng giá trị cần huy động vốn của các dự án nhà ở thương mại 9 tháng đầu năm 2022 tại TP.HCM lên đến 103.780 tỷ đồng, tăng tới 653,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Dân có nhu cầu thực sự thì không mua nổi nhà, hoặc không có dự án nào mở bán để mua, trong khi đó, thị trường “bùng nổ” nhà ở/căn hộ trung cấp và cao cấp thì… ai mua, mua để làm gì?
“Tất nhiên là vay ngân hàng để mua, rồi ‘lướt sóng’ và bán. Mà mỗi lần chủ đầu tư mở bán là phải ‘phím’ trước, rồi còn phải chen chân, xếp hàng đặt cọc giữ chỗ!”, bạn tôi, một “trùm” bất động sản ở Sài thành nói.
“Kết luận” này không phải không có cơ sở. Bằng chứng là, báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) hồi tháng 7/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: năm 2021, dù người dân cũng như doanh nghiệp khốn đốn bởi đại dịch Covid-19 đến mức, Nhà nước phải ban hành nhiều gói tài chính hỗ trợ, dù nhà ở bình dân “biến mất”, thì tại TP.HCM vẫn có tới 110.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tại các dự án (gần bằng lượng giao dịch năm 2020), đặc biệt là phân khúc đất nền tăng mạnh tới 170.000 giao dịch.
Trong tổng giá trị nói trên, theo phương pháp nội suy của HoREA, trong 9 tháng đầu năm 2022, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm khoảng 80,2% thị trường, thì số tiền cần huy động là 83.231 tỷ đồng. Với tỷ lệ cho vay khoảng 60 – 70% đối với bất động sản của các ngân hàng thương mại, thì lượng vốn tín dụng rót vào phân khúc nhà ở/căn hộ cao cấp rất lớn, khoảng 49.938 – 58.261 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11%, trong đó, lĩnh vực bất động sản tăng 15,7%, cao hơn mức bình quân chung, tăng 3,7% so với 3 tháng trước đó, chiếm 20,9% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Từ thực tế trên, nhận định của HoREA (trong Báo cáo số 90/2022) là có cơ sở khi cho rằng, doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản đã “sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thường chiếm 50 – 70%”.
Nhưng theo giới chuyên gia, con số 50 – 70% đòn bẩy tài chính từ tín dụng là… khiêm tốn, bởi nhiều doanh nghiệp còn huy động vốn bằng trái phiếu. Tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, 6 tháng đầu năm 2021 (khi nhà bình dân ở TP.HCM bắt đầu… biến mất), thì nhóm doanh nghiệp bất động sản trên cả nước đã phát hành trái phiếu có tổng giá trị lên đến 92.300 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản trên cả nước phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt giá trị hơn 47.000 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng giá trị trái phiếu phát hành, xếp thứ hai sau lĩnh vực ngân hàng.
Sang năm 2022, chỉ 6 tháng đầu năm, tại TP.HCM, phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có khoảng 50.000 giao dịch; đất nền có khoảng 200.000 giao dịch, tăng so với cùng kỳ năm 2021. Lượng tồn kho tính đến 6 tháng đầu năm còn khoảng 2.286 căn nhà ở các dự án, ít hơn so với năm 2020 khoảng 9.000 căn.
Số liệu là thế, nhưng khi thu thập tư liệu cho bài viết này, tôi đọc “ngàn trang, triệu chữ” trong các báo cáo dày đặc qua nhiều năm của cơ quan có trách nhiệm, mà không hề thấy câu từ nào nhận định, kết luận có một thị trường toàn “bán buôn” như… người trong ngành bất động sản nói. Ngược lại, chỉ thấy nói “xây dựng, đưa ra thị trường xxx căn nhà, đáp ứng nhu cầu của xxx người”, khiến những người “tay ngang” với bất động sản như tôi dễ nhầm lẫn rằng, hàng trăm ngàn căn nhà/căn hộ tung ra thị trường những năm qua đáp ứng nhu cầu cho số người tương đương để… ở.
“Phút 89”, đập vào mắt tôi là một câu duy nhất trong Báo cáo số 90/2022/CV-HoREA ngày 26/10/2022 (12 trang) của HoREA gửi Thường trực UBND TP.HCM và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, khi phân tích về sự “lệch pha” cung cầu, tín dụng: “Phân khúc nhà ở cao cấp là phân khúc có đến trên dưới 70% khách hàng là nhà đầu tư thứ cấp, mua để cho thuê, hoặc nhằm để bán lại, mà tình trạng này xảy ra còn có nguyên nhân là do thị trường không có loại nhà ở vừa túi tiền”.
Tổng Hợp