Thị trường cổ phiếu Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó quên, ngay cả với những nhà đầu tư lão làng nhất. Các cánh cửa huy động vốn đang dần đóng lại với doanh nghiệp…
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…); Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động);
Do các kênh huy động vốn đều tắc nghẽn, nên một số doanh nghiệp bất động sản đói vốn phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; một số doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 50% giá hợp đồng). Tình trạng này được dự báo có thể kéo dài đến hết quý II/2023 nếu không có những giải pháp can thiệp từ Nhà nước.
Để có dòng tiền duy trì hoạt động, gần đây, trên thị trường bất động sản xuất hiện thêm một số sản phẩm đầu tư mới, hấp dẫn nhằm thu hút tiền từ người dân như “Fantasy home”, doanh nghiệp giảm giá nhà, bù lãi suất cho người mua nhà.
Cụ thể, Fantasy home là sản phẩm nhằm mở rộng đối tượng nhà đầu tư bất động sản với cả những người có số vốn nhỏ, khoảng 40 triệu đồng/suất đầu tư. Thời điểm mới xuất hiện, Fantasy home cho phép 50 suất đầu tư trên mỗi đơn vị sản phẩm (nhà thấp tầng). Tuy nhiên, gần đây số lượng suất đầu tư đã được nâng từ 50 lên 200 suất trên một đơn vị sản phẩm (với giá trung bình trên 8 tỷ đồng/căn hộ).
Để duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp bất động sản hiện tại TP.HCM và lân cận còn đua nhau giảm giá nhà ở, cạnh tranh nhau từng mức chiết khấu.
Từ đầu năm, sau các đợt giảm không thấy đáy, rất nhiều cổ phiếu thị trường đã giảm 70-80% so với đỉnh thiết lập cuối năm 2021, đặc biệt là các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản. VN-Index ghi nhận những chuỗi giảm mạnh, có thời điểm lùi về mốc 947,24 điểm ngày 10/11 – vùng giá thấp nhất từ phiên 6/11/2020.
Thị giá giảm sâu khiến các kế hoạch tăng vốn giờ chỉ còn trên “giấy”, đồng nghĩa với doanh nghiệp không thể huy động vốn từ nguồn này. Nguy hiểm không kém, tình trạng call margin, forced sell giờ đây không chỉ đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà còn lan rộng đối với lãnh đạo, cổ đông lớn, khi giá cổ phiếu rơi không phanh. Thời gian qua không thiếu những mã giảm sàn tắt thanh khoản, với 5-60 triệu cổ phiếu dư bán sàn, mà nổi bật là hai bluechips NVL, PDR.
Trên thị trường trái phiếu, tình hình thậm chí còn bi đát hơn rất nhiều, khi trái phiếu của các doanh nghiệp không kể tốt, xấu, to nhỏ đều đang bị đổ ra bán tống bán tháo, với lãi suất đẩy lên ngoài 20%, có những trái chủ chấp nhận giảm một nửa giá vốn, song vẫn không có cầu mua.
Trái phiếu doanh nghiệp trước đây là nguồn tiền ưa thích của nhiều ông chủ địa ốc. Nhưng những sai phạm nghiêm trọng bị phát giác thời gian qua đã khiến niềm tin của nhà đầu tư bị tổn thương. Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ cũng bổ sung nhiều yêu cầu chặt chẽ nên việc huy động vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn. Riêng trong tháng 10 chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được thực hiện, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 10 tháng trái phiếu riêng lẻ phát hành trị giá 240.761 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, chỉ riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Đến tháng 9 và 12/2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất với lần lượt là 42.022 tỷ đồng và 54.000 tỷ đồng. Số lượng trái phiếu đến hạn sẽ tiếp tục tạo gánh nặng về dòng tiền cho doanh nghiệp vốn đang rất khó khăn thời điểm hiện tại.
Sau 2 năm sống chung với đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn tự có, một phần đang “kẹp” giá cao trong đất và chứng khoán. Không những vậy, theo thống kê VBMA, trong 10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại hơn 147.484 tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng thời gian năm ngoái. Nhiều lô trái phiếu buộc phải được mua lại theo quy định tại Nghị định 65 nên tiền đã yếu càng thêm thiếu.
Trong khi thị trường chứng khoán đang ảm đảm, thì thị trường vốn quan trọng còn lại là tín dụng ngân hàng cũng đang có nhiều dấu hiệu tắc nghẽn. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang vướng rất nhiều khó khăn từ room tín dụng, gặp vấn đề thanh khoản và quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ngân hàng Nhà nước khẳng định thời điểm hiện tại cần ưu tiên ổn định vĩ mô, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua đơn vị này đã lần 2 tăng lãi suất điều hành (mỗi lần tăng thêm 1%). Động thái này kéo theo cuộc đua lãi suất huy động tại tất cả các ngân hàng thương mại trong hệ thống nhằm thu hút tiền gửi bù đắp cho chênh lệch tăng trưởng huy động và tín dụng kéo dài từ cuối năm 2021. Có thể hiểu rằng, thời kỳ ngân hàng dư thừa thanh khoản, ứ đọng vốn đã kết thúc, thay vào đó là lãi suất treo cao.
Theo quy định tại Thông tư 22/2019 của NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ 1/10/2022 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ bị kéo xuống 30%. Phản ánh của đại diện nhiều ngân hàng, quy định này gây thêm khó khăn cho việc cấp tín dụng của ngân hàng do huy động từ dân chúng chủ yếu vẫn là ngắn hạn, còn cho vay kinh doanh, sản xuất chủ yếu là trung, dài hạn; ngân hàng buộc phải khó khăn hơn trong cấp tín dụng, lựa chọn khách hàng thận trọng hơn. Có thể nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện cho vay cũng chưa chắc được vay dù là lãi suất cao.
Về vốn đầu tư nước ngoài, là một dòng vốn quan trọng của thị trường bất động sản nhưng thị trường tài chính toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn chung, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang ở trong giai đoạn phòng thủ, giữ tiền mặt. Ngoài ra lãi suất đồng USD đang ở mức cao và có xu hướng tăng, nên ngoại tệ có xu hướng chảy khỏi Việt Nam thay vì có thể thu hút được dòng vốn này.
Bù đắp lại chính sách tiền tệ đang thắt chặt, thị trường kỳ vọng vào vốn ngân sách nhà nước qua đầu tư công nhưng thực tế 10 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được 297.700 tỷ đồng, chỉ đạt 46,44% kế hoạch cả năm. Việc chậm giải ngân đầu tư công làm nguồn tiền vào nền kinh tế bị thiếu hụt, không bù đắp được sự suy giảm từ các nguồn khác.
Tổng Hợp