Kết quả kinh doanh ba quý đầu năm của các ngân hàng lần lượt được công bố. Bên cạnh nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng, một số lại ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan sau 9 tháng đầu năm.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2022 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, kết quả kinh doanh trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4% – 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022 nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, mặc dù đa số dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021 nhưng vẫn có gần 7% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và khoảng 5% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Trong quý IV cao điểm cuối năm, dư nợ thường tăng cao trong quý cuối năm do các doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn. Tuy nhiên, với hạn mức room tín dụng được cấp thêm khá eo hẹp khiến ngân hàng phải cân nhắc và chọn lọc kĩ càng hơn và tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên.
Chứng khoán Agriseco nhận định thu nhập lãi thuần có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do dư địa room tín dụng không còn nhiều. Ngoài ra các chuyên gia cũng dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ABBank nhận định về kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng của ngân hàng trong quý III: “Quý III/2022, hoạt động ngành ngân hàng chịu áp lực, NIM có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022.”
Theo báo cáo tài chính đã công bố, lợi nhuận trước thuế quý III của ABBank chỉ đạt 85,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 407,9 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận lỗ. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (42,6 tỷ đồng).
Nợ xấu nội bảng của ABBank cũng tăng 17,3% lên hơn 1.800 tỷ đồng do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 40%, tương đương hơn 340 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,35%.
Không chỉ lợi nhuận giảm, số dư nợ xấu các nhà băng cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Có những nhà băng ghi nhận số dư nợ xấu tăng gấp 2 – 5 lần so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank) cũng giảm gần 21% so với cùng kỳđạt 36,2 tỷ đồng, riêng trong quý III, lợi nhuận giảm hơn 66%. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm thu nhập từ nhiều mảng kinh doanh cả thu nhập lãi thuần, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối (trong 9 tháng).
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã: NVB) công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm với mức lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 205 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần, nguồn thu nhập chính, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm trước mang về 450,9 tỷ đồng.
Giải trình về con số lợi nhuận, NCB cho biết đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN; thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại. Đồng thời, NCB cũng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 khiến thu từ lãi giảm.
Ngoài NCB, BaoVietBank, một số ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận luỹ kế 9 tháng không mấy khả quan giảm 37% và 41% so với cùng kỳ, mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong bức tranh toàn ngành.
Số dư nợ xấu của NCB tăng gấp 5,3 lần so với cuối năm trước từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% lên 14,72%. Trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn ba lần lên 1.353 tỷ đồng.
NCB cho biết nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia cho rằng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng.
NHNN đã hai lần quyết định nâng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, khi chi phí đầu vào tăng theo xu hướng lãi suất huy động tăng sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành, áp lực lên lãi suất cho vay vì vậy cũng ngày càng cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Tổng Hợp