Chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường.
Tình trạng khát vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Cả hai kênh dẫn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu cho các doanh nghiệp triển khai dự án đều khá khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều người mua nhà cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Chuyên gia CBRE dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Đơn cử, nguồn cung tiếp tục hạn chế, đặc biệt là nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Đối với những người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết các nguồn cung mới sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.
Ngoài ra, mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn vô cùng khó khăn đối với cả nhà đầu tư cá nhân và các chủ đầu tư dự án. Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng kết hợp giá nhà tiếp tục gia tăng khiến tính thanh khoản của thị trường bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, những thông tin trên thị trường liên quan đến các thay đổi pháp lý (quy định về thời hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản,…) cũng như những cuộc điều tra trên thị trường về các sai phạm của chủ đầu tư có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người mua.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021 – là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Tạm tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm hơn 35%; chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021; chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng cho mục đích vay tự sử dụng tăng 20,14%; cho kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.
Trước đó, tính đến hết tháng 5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng tăng 14,41%; dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản tăng 8,4%.
6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021. Cụ thể, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.
NHNN cho biết, đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán), nhà điều hành đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Trong đó có việc tăng kiểm soát chất lượng tín dụng, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay,… nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo dòng vốn chảy đúng đích.
NHNN đã có nhiều Công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân,…
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần tập trung đầu tư nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Tổng Hợp