Dù chưa chính thức nhưng đã xuất hiện nhiều thông tin về việc VPBank có thể nhận nhiệm vụ hỗ trợ ngân hàng “0 đồng” GPBank; MB nhận chuyển giao OceanBank, HDBank là DongABank và Vietcombank được giao CBBank. 4 ngân hàng tham gia cơ cấu nhà băng yếu kém được nới room tín dụng…
Trước đó, thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng. Trong đó gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và 11 ngân hàng tư nhân có Sacombank, HDBank, MB, OCB, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB…
Mức bổ sung được cho là khá hạn chế, dao động từ gần 1-4% so với trần tín dụng cũ. Theo đó, dư địa cho vay mới của các nhà băng được cấp thêm dao động vài nghìn tỷ đồng đến tối đa 50.000 tỷ đồng (tùy từng nhà băng) trong 4 tháng còn lại của năm.
Theo công ty chứng khoán trên, đợt điều chỉnh lần này chỉ là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống 14% của năm nay vẫn được duy trì.
Tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước hôm 23/9 vừa rồi, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm nay nhưng có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Công ty chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh room tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ, cụ thể là VPBank, HDBank, MB và Vietcombank.
Theo nhóm phân tích, VPBank có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng là 27,2%, cao hơn dự báo trước đây của VNDirect là 23% và cao hơn năm ngoái (20,2%). Trong đó, nhà băng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu năm là 15%, tăng thêm 0,7% trong đợt đầu điều chỉnh và được cấp thêm 11,5% trong đợt thay đổi lần hai.
HDBank và MB dự báo ghi nhận tăng trưởng tín dụng lần lượt là 23,5% và 23,2%, với lần nới hạn mức gần nhất thêm 5,1% và 5%. Trong khi đó, Vietcombank có mức nới hạn mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 nhà băng, ở 0,9%.
Như vậy, VPBank có hạn mức điều chỉnh mới gần 45.000 tỷ đồng, MB là 20.000 tỷ đồng, HDBank gần 11.000 tỷ đồng và Vietcombank khoảng 9.000 tỷ đồng.
Cũng theo các ngân hàng, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý III tiếp tục đà phục hồi bền vững, quý sau cao hơn quý trước.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và các tổ chức tín dụng khác.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng với tốc độ mạnh hơn trong quý IV và cả năm nay. Trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Dự báo cho quý cuối năm, có 70,4-75,9% ngân hàng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn.
Về lợi nhuận trước thuế năm 2022, 88,3% ngân hàng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, 6,8% ngân hàng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Tổng Hợp