Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ để chọn ra những môi giới đủ tiềm lực và đi đúng hướng. Việc siết tín dụng chỉ là tình trạng ngắn hạn trong 1-2 quý, các nhân viên môi giới cá nhân không có chuẩn bị tốt phải đổi nghề, các sàn nhỏ phải tái cơ cấu, thu hẹp nhân sự để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
môi giới bất động sản gồm hai trường phái khác nhau: môi giới sản phẩm dự án và môi giới lĩnh vực thổ cư. Đối với môi giới dự án đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn môi giới thổ cư. Những môi giới này được đào tạo chuyên nghiệp sẽ nhận thức đúng đắn về kỹ năng, kinh nghiệm và thời gian làm nghề. Họ sẵn sàng chấp nhận trong vòng 1-2 quý không thu nhập mà vẫn theo đuổi và cống hiến với công việc.
Còn với môi giới thổ cư, yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng và quy trình đào tạo thổ cư đơn giản hơn, dẫn đến đối tượng tham gia rộng, từ độ tuổi đến trình độ học vấn. Do đó, để tồn tại trong nghề phải là người có trải nghiệm, thu nhập và xác định dài lâu.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận rằng vai trò của người môi giới bất động sản đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe. Mỗi người môi giới thực thụ đều phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề và trách nhiệm xã hội. Trong những năm qua, Hội đã tổ chức hàng trăm khóa học đào tạo, thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cho hơn 8.000 người môi giới trên cả nước. Ngày 11/9/2022 vừa qua, kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do VARS tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 600 học viên trên toàn quốc.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đưa ra thống kê sơ bộ: cả nước hiện có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, số người môi giới có chứng chỉ hành nghề khoảng 30.000. Môi giới không có chứng chỉ hành nghề hầu hết đều là “cò đất” nghiệp dư, tham gia khi thị trường bất động sản tăng nóng nhưng khi thị trường trầm xuống thì họ rút rất nhanh.
Theo báo cáo của nhiều đơn vị bất động sản, những tháng gần đây, giao dịch trên toàn thị trường diễn ra khá chậm, mức độ quan tâm bất động sản giảm. Các chuyên gia nhận định, về nguyên tắc, sau khi giá đất bị đẩy lên cao, vượt qua giá trị đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và vừa qua thị trường đã lộ rõ sự “hạ nhiệt”.
Hơn nữa, nhiều địa phương đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm quản lý chặt thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai… Cùng với đó, việc ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản cũng khiến nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính buộc phải rao bán vì không còn khả năng cầm cự.
Trong khi đó, người mua lại có tâm lý dè dặt, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường. Do vậy, những tháng cuối năm 2022, thách thức mà thị trường phải đối mặt vẫn là tình trạng giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Điều đó càng làm cho những người làm nghề môi giới bất động sản bất an hơn.
Trái ngược với diễn biến cuối năm 2021, thị trường bất động sản hiện nay đang ghi nhận gam màu trầm lắng. Thậm chí, một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Điều này đã ảnh hưởng mạnh tới thu nhập, đời sống của những người làm nghề môi giới bất động sản.
Theo ông Lê Đại Việt, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong ngắn hạn, động thái tăng cường kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản khiến tính thanh khoản giảm sút. Phần lớn nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu mới về chính sách tài khóa hay thông tin nới lỏng room tín dụng từ cơ quan nhà nước để đưa ra quyết định. Các dự án đầy đủ pháp lý, đã xây dựng và hoàn thành cơ bản, hỗ trợ vấn đề tài chính, thanh toán tiến độ nhỏ giọt theo tháng hay hỗ trợ mức lãi suất 0%/năm vẫn được nhà đầu tư quan tâm xuống tiền.
Tổng Hợp