Quy hoạch “treo” không chỉ làm cho người dân khốn khổ vì không thể yên tâm làm ăn, sinh sống mà còn gây “lãng phí” nguồn tài nguyên quý giá chính là đất đai. Những chuyển động mới đang đưa Bình Quới – Thanh Đa tại TP.HCM dần thoát “treo” và sớm hiện thực kỳ giấc mơ tỏa sáng.
Nỗi khổ và lãng phí vì “quy hoạch treo”
Bình Quới – Thanh Đa vốn là các thôn Thạnh Đa và Bình Quới Tây, thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Do trong quá trình lập bản đồ, người Pháp bỏ dấu khi in ấn nên tên thôn Thạnh Đa biến thành địa danh Thanh Đa như ngày nay. Năm 1897, người Pháp cho đào một con kênh dài 1 km cắt ngang dải dất này (kênh Thanh Đa), rút ngắn 12 km thủy lộ trên sông Sài Gòn, biến bán đảo Thanh Đa trở thành một cù lao.
Đánh giá tiềm năng để mài dũa “viên ngọc” Thanh Đa, năm 1992, TP.HCM định hình vùng đất khu vực Đông Bắc thành phố này trở thành Khu đô thị với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 – 50.000 người.
Đến năm 2004, thành phố giao dự án cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn thực hiện đầu tư xây dựng nhưng sau đó bị “đóng băng”.
Bởi vậy, năm 2010, thành phố quyết định thu hồi lại dự án và giao lại cho một công ty lập quy hoạch 1/2.000. Quy hoạch được điều chỉnh vào năm 2012 và Thanh Đa trở thành dự án Khu Du lịch sinh thái hiện đại.
Để mài dũa “viên ngọc quý” này, năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (UAE) được TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Đây được xem là cột mốc đáng chú ý khi bán đảo Thanh Đa có cơ hội “tỏa sáng”, tuy nhiên sau đó nhà đầu tư đã rút lui, dự án lại rơi vào tình trạng “bế tắc”.
Trải qua 26 năm không được đầu tư khi có đến 6 lần dự án được khơi lên rồi lại chìm xuống, người dân nơi đây dần mất đi niềm tin được đổi thay.
Nhìn từ trên cao, dù chỉ cách con sông Sài Gòn, thành phố mới thông minh Thủ Đức ngày càng phát triển hiện đại văn minh, trong khi đó Thanh Đa vẫn chỉ là ốc đảo hoang tàn, cây cỏ dại mọc khắp nơi và thường xuyên trong tình trạng ngập úng vì triều cường hay mưa lớn. Các khu chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975 xuống cấp nghiêm trọng hay nhiều gia đình sống qua ngày trong những ngôi nhà chắp vá tạm bợ bởi chữ: “vướng quy hoạch”.
Thị trường bất động sản khu vực cũng bị ảnh hưởng khi giao dịch ảm đạm một thời gian dài, người mua e dè chữ “vướng quy hoạch” và ách tắc pháp lý.
Anh Nguyễn Văn Bình, cư ngụ ở Thanh Đa hơn 30 năm qua cho hay, từ khi chào đời cho đến nay dù đã có vợ con, anh vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Căn nhà anh ở được thừa hưởng từ ông bà, mái lợp tôn núp sau đám lau sậy. Căn nhà quá nhỏ cho gia đình 4 thành viên nên đôi lần anh nghĩ tới bán nhà đi nơi khác sinh sống. “Nhưng bán không ai mua, vì người ta sợ quy hoạch treo”, anh Bình nói.
Không chỉ mình anh Bình, nhiều người dân khác tại Thanh Đa khi được hỏi về mua bán đất đai tại đây đều lắc đầu. Họ cho biết, trong hàng chục năm, vì quy định là khu vực quy hoạch nên người dân trên bán đảo Thanh Đa không được xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa nên đều xuống cấp, người mua ở cũng không mặn mà. Giao dịch nhà đất nếu có diễn ra chỉ bằng giấy viết tay, giá mua bán cũng kín đáo.
Bởi vậy, khi nói đến Thanh Đa, người dân thành phố đều ngán ngẩm bởi có đến hơn 426ha quỹ đất vàng sát trung tâm thành phố để lãng phí, hoang hóa hàng chục năm.
Cuối năm 2018, nhằm tạo điều kiện cho người dân đang sinh sống tại dự án “treo” Thanh Đa được sửa chữa nhà cửa, thành phố chấp thuận cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân.
Theo đó, khoảng 3.400 người dân đang sinh sống tại đây sẽ có đủ điều kiện để tiến hành nâng cấp, sửa chữa nhà cửa và ổn định đời sống sau 26 năm sống trong những ngôi lụp xụp mà không được phép sửa chữa.
Nói về vấn đề này, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM chia sẻ, bên cạnh những khó khăn, tồn tại cũ như quy mô dự án quá lớn, nguồn vốn đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng cao, khả năng thu hút nhà đầu tư thấp, thì một phần do quy hoạch, định hướng phát triển và cách làm trong giai đoạn trước chưa phù hợp, khiến dự án không khả thi, dùng dằng mãi không thể dứt điểm.
Cơ hội tỏa sáng “viên ngọc quý” Thanh Đa
Sau thời gian nghiên cứu, nhận định việc chậm trễ triển khai dự án Bình Quới – Thanh Đa gây ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và quyền lợi của hàng ngàn hộ dân đang sinh sống, cũng như lãng phí nguồn tài nguyên lớn là quỹ đất hàng trăm ha sát ngay trung tâm thành phố.
Đầu tháng 7/2024, thành phố quyết tâm “hồi sinh” vùng đất này khi đưa dự án Bình Quới – Thanh Đa vào danh mục các dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Mục tiêu đến ngày 30/4/2025 sẽ hoàn thành việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trước mắt, để tìm kiếm ý tưởng độc đáo, xây dựng phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất, gắn kết về không gian hai bên sông Sài Gòn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực này phù hợp với định hướng chung, thành phố đã tiến hành thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch kiến trúc Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, quy hoạch của khu đô thị này vừa phải đáp ứng được việc phát triển sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phải cân bằng giữa phát triển đô thị và phát triển du lịch, đưa bán đảo thành điểm đến đẳng cấp, trung tâm về đô thị – du lịch sinh thái tầm vóc quốc tế, góp phần cho diện mạo mới của đô thị toàn cầu TP.HCM.
Mặt khác, phải đảm bảo về hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thông suốt với bên ngoài, đồng bộ hạ tầng khu vực với Thủ Đức, Thảo Điền… Các chuyên gia cũng nhận định, quy hoạch cần quan tâm đến việc bảo tồn hệ thống cảnh quan ngập nước, cân bằng với nhu cầu phát triển kinh tế – du lịch.
Ngoài ra, chú trọng việc tích hợp và tối ưu mật độ xây dựng nhằm tăng diện tích không gian mở, mặt khác sẽ đảm bảo quỹ không gian để phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ.
Có như vậy “viên ngọc quý” Thanh Đa mới tỏa sáng, trở thành động lực tăng trưởng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang đến cơ hội phát triển cho lĩnh vực dịch vụ, thương mại để nâng cao thu nhập, kinh tế cho người dân.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP chia sẻ, bán đảo Thanh Đa với các thế mạnh về địa thế, cảnh quan, quỹ đất còn lại trong khu vực trung tâm đang trở thành yếu tố rất quan trọng trong quy hoạch phát triển TP.HCM. Để phát huy hết giá trị thế mạnh của bán đảo, hiện thực hóa ước mơ biến khu vực này trở thành “viên ngọc” của thành phố, cần trải qua quá trình quy hoạch và thực thi lâu dài, bền bỉ.
Trong đó, ý tưởng phương án quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, góp phần định hướng hình thành nên Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa phát triển trong tương lai.
Nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản cho rằng, Nghị quyết 98 có nội dung rất toàn diện, sẽ giúp TP.HCM có chính sách đột phá trong việc xác định giá đất, giải tỏa, bồi thường, quy hoạch, tạo nguồn tài chính… khơi thông các điểm nghẽn gây nên tình trạng ì ạch của các dự án treo điển hình như bán đảo Thanh Đa, đánh thức vùng đất này.