Nhiều dự báo được đưa ra, đây có thể là lần điều chỉnh tỷ giá bán USD cuối cùng trong năm 2022 từ Ngân hàng Nhà nước và một số điểm tích cực được ghi nhận trong lần điều chỉnh lần này. Những tháng cuối năm, nguồn cung ngoại tệ trong nước có thể tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ.
Cụ thể, khác với những lần điều chỉnh trước, diễn biến tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt sau động thái của Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc tuần trước nữa (9/9/2022), tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank chỉ tăng 90 đồng so với một tuần trước đó.
Đặc biệt, diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao. Điều này cho thấy mức tỷ giá USD/VND mà thị trường chấp nhận hiện tại là khoảng 23.500 – 23.600 đồng/USD và mức giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra cao hơn để có thể chuẩn bị cho việc USD tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Cũng trong diễn biến có liên quan, ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Thực tế, diễn biến của thị trường ngoại hối quốc tế đã tạo sóng gió cho thị trường ngoại hối trong nước, khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có xu hướng tăng khoảng 100 điểm, lên quanh khoảng 23.450 đồng/USD, cao hơn 50 điểm so với mức tỷ giá bán giao ngay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8.
Đặc biệt, áp lực từ thị trường quốc tế gia tăng mạnh mẽ khi chỉ số DXY tăng khoảng gần 3%, trong khi tỷ giá USD/CNY cũng tăng khoảng 2% trong bối cảnh kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ và các nền kinh tế EU, Trung Quốc cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khó khăn như khủng hoảng năng lượng hay dịch bệnh quay trở lại.
“USD thường được các nhà đầu tư tìm đến như một tài sản trú ẩn khi thị trường có nhiều biến động khó lường và bối cảnh lần này không phải là một ngoại lệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong khi đó, cung – cầu ngoại tệ trong nước đối diện với nhiều khó khăn, ước tính thâm hụt gần 2 tỷ USD trong tháng 8. Xu hướng bất lợi của cân đối cung – cầu ngoại tệ của Việt Nam khá tương đồng với các thị trường mới nổi trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh do hệ quả từ chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng mạnh mẽ kéo theo quá trình thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Tính từ đầu năm tới nay, phần thâm hụt của cân đối cung – cầu ngoại tệ trong nước đã lên tới 16 – 17 tỷ USD, mức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Mặc dù các yếu tố cơ bản nhìn chung khá tiêu cực, nhưng tỷ giá trong nước không tăng quá mạnh sau những động thái chủ động can thiệp nhằm ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, như duy trì bán ngoại tệ giao ngay cho các ngân hàng thương mại (ước tính gần 3 tỷ USD), sử dụng linh hoạt các công cụ điều tiết chênh lệch lãi suất VND/USD chủ đạo ở mức dương (kỳ hạn 1 tuần bình quân quanh khoảng 1,5%)”, TS. Hiếu nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, về cuối năm, kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Mặc dù trong năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5 – 3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi lộ trình nâng lãi suất của Fed đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới được nhìn nhận rõ ràng hơn.
Còn giám đốc khối nguồn vốn một ngân hàng cổ phần nhìn nhận, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
Còn theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng: “Hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục gặp áp lực giảm giá so với USD trong những tháng tới khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa, lo ngại về suy thoái tại các khu vực kinh tế phát triển (Mỹ và châu Âu) tăng lên và giá dầu vẫn ở mức cao”.
Cũng theo ông Khoa, Việt Nam nhiều khả năng cũng không phải là ngoại lệ. Giá năng lượng toàn cầu tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tác động rõ ràng nhất là hóa đơn năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp xuống mức thặng dư ước tính chỉ còn 0,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này sẽ làm xói mòn lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam, gây áp lực mất giá đối với VND.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 2/9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã bật tăng hơn 200 điểm, lên quanh vùng 23.600 – 23.630, chủ yếu do áp lực từ môi trường quốc tế gia tăng (chỉ số DXY tăng lên mức 110, vượt mức đỉnh 20 năm) và cung – cầu ngoại tệ trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất cơ sở thêm 0,75%/năm, mức tăng mạnh nhất kể từ khi đồng EUR ra đời vào năm 1999. Điều này không đem đến nhiều bất ngờ cho thị trường, do đã có những dự báo từ trước. Bên cạnh đó, ECB cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiểm soát lạm phát. ECB dự báo lạm phát khu vực EU sẽ đạt 8,1% trong năm 2022 và giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024.
Tuy nhiên, tâm điểm vẫn là những thông điệp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra trong Hội nghị ackson Hole hồi cuối tháng 8, khiến thị trường nâng cao kỳ vọng vào mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm sẽ được Ngân hàng Trung ương Mỹ đưa ra trong kỳ họp cuối tháng 9, trên cơ sở diễn biến lạm phát tháng 8 tại Mỹ cao hơn dự báo dù giá xăng liên tục suy giảm trong suốt thời gian qua, theo báo cáo mới được công bố bởi Cục Thống kê lao động.
Tổng Hợp