Ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi các yếu tố hỗ trợ tăng biên lãi ròng (NIM) cân bằng với việc tăng tỷ lệ chi phí huy động vốn…
Số liệu hai tháng gần đây chỉ rõ, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Nhưng trước đó, NHNN cho hay, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã lên tới 9,35%. Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong 1,5 tháng qua, khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng, trong khi NHNN vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới.
Thực tế, dù 15 ngân hàng đã được nhận thêm hạn mức tín dụng, song tỷ lệ nới thêm không nhiều mà mục tiêu của NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng 14% năm nay. Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này gồm: Sacombank: 4%; Agribank: 3,5%; HDBank: 3,4%; MB và SHB mỗi ngân hàng được nới thêm room tín dụng 3,2%; OCB: 3,1%; VIB (3%), Techcombank, Vietcombank (2,7%)…
Theo Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú, hiện tại kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất. Nhưng đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 9,91%, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái và các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức được giao trong đầu năm. Hạn mức tăng trưởng tín dụng là vấn đề liên tục tăng cao thời gian qua khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ những quý đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới. Tuy nhiên, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm cũng rất hạn chế, vì room được tín dụng được nới thêm không nhiều và phần lớn do các nhà băng đã tăng trưởng tín dụng mạnh từ nửa đầu năm. Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM thừa nhận, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi dư địa cho vay còn lại không nhiều. Ngân hàng phải xoay sở trong “chiếc áo chật”, khi cạn room tín dụng nên khó tránh lợi nhuận giảm. Cụ thể, tháng 7/2022, lợi nhuận ngân hàng không tăng so với tháng trước đó và khả năng còn sụt giảm trong những tháng tới.
Room tín dụng tác động lợi nhuận ngân hàng cuối năm khi phân tích của FiinGroup cho rằng, triển vọng lợi nhuận cuối năm của các ngân hàng không giống nhau, tùy thuộc nhiều yếu tố. Theo đó, cơ hội với các mã cổ phiếu vua cũng không giống nhau.
“Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định. Theo thống kê của FiinGroup, có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 33% trong năm 2022, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm tương đối thấp nếu không có thêm hạn mức tín dụng. Thực tế cho thấy, tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm (tăng 10,1% so với đầu năm đối với các ngân hàng niêm yết), nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022 của ngành mới ở mức bình quân 51,5%. Trong bối cảnh này, cho dù định giá P/B của khối ngân hàng hiện đang thấp hơn trung bình 5 năm (1,75x so với 2.0x), nhưng FiinGroup cho rằng, cơ hội khó có thể đến với tất cả các cổ phiếu ngân hàng mà sẽ tập trung vào một số nhà băng có tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù đã được nới thêm hạn mức tín dụng, song room nới thêm chỉ ở mức thấp từ 4% trở xuống, vì vậy, lãnh đạo các nhà băng thừa nhận sẽ có khó khăn trong nửa cuối năm. Đáng chú ý là khi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn từ tín dụng.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng mẹ Techcombank đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021. Trên báo cáo hợp nhất cũng cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.400 tỷ đồng và chiếm gần 47% danh mục tín dụng của ngân hàng.
Kết quả quý II/2022 vừa được các ngân hàng thương mại công bố với kết quả ấn tượng, lợi nhuận cao phần lớn nhờ tín dụng.
VnDirect đưa ra dự báo, các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong cả năm nay dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào room tín dụng vừa được cấp.
Tổng Hợp