Lý giải về điều kiện để cổ phiếu ROS, FLC được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi những vi phạm được DN khắc phục và DN có nguyện vọng thì sẽ được xem xét niêm yết, giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật.
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Việc làm giá chứng khoán, thao túng, lừa đảo của lãnh đạo FLC đã gây nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua. Xin hỏi trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là của Ủy ban Chứng khoán, khi để xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty FLC vừa bị khởi tố?
Cần làm gì để tránh xảy ra các sai phạm tương tự? Quyền lợi của nhà đầu tư ra sao khi cổ phiếu ROS đã bị huỷ giao dịch, còn FLC sẽ bị đình chỉ giao dịch từ 9/9? Điều kiện gì để các cổ phiếu họ “F” được tiếp tục giao dịch trở lại?
Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra, nên để cơ quan công an tiến hành điều tra, khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai, khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, kể cả tập thể, cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước.
“Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án”, ông Chi khẳng định.
Giải pháp phòng ngừa, ông Chi cho biết, ngày 5/9, Bộ trưởng Tài chính đã có chỉ thị 02, chỉ đạo một loạt giải pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, bao gồm từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của DN, giám sát các giao dịch chứng khoán… Chỉ thị này đã được công bố công khai trên website Bộ Tài chính.
Lý giải về điều kiện để cổ phiếu ROS, FLC được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Chi cho biết, khi những vi phạm được DN khắc phục và DN có nguyện vọng thì sẽ được xem xét niêm yết, giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là phải có báo cáo kiểm toán 2021, 6 tháng 2022 theo quy định; tổ chức ĐH cổ đông theo quy định… “Khi nào DN này khắc phục được những vi phạm và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận”. Về quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào, ông Chi khẳng định, khi bị huỷ giao dịch, quyền lợi nhà đầu tư đương nhiên bị ảnh hưởng, muốn bán không bán được trên thị trường nữa, rất khó khăn.
Trước đó, cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC vừa bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 9/9 tới. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, nguyên nhân là Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Cũng bởi lý do này mà trước khi bị đưa vào diện cảnh báo thì GAB đã bị đưa ra khỏi danh mục ký quỹ (cắt margin) từ ngày 23/8.
Ngày 16/8, Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC có công văn cho biết, công ty chưa thể công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên. Theo đó, mặc dù doanh nghiệp đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo đúng quy định nhưng các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cũng kể từ thời điểm ngày 9/9, cổ phiếu HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I sẽ bị HoSE đưa từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Bên cạnh hung tin mới nhận của GAB và HAI thì cổ phiếu FLC cũng đã nhận “trát” bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9, còn cổ phiếu ROS thậm chí bị hủy niêm yết trên HoSE kể từ tuần này.
FLC và HAI sắp bị đình chỉ giao dịch, GAB bị đưa vào diện cảnh báo còn ROS thì bị hủy niêm yết. Cổ phiếu “họ” FLC đang trải qua chuỗi ngày khốn đốn, cổ đông quay lưng.
Tổng Hợp