Chiều 26/8, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Luật khi được ban hành sẽ có tác động hết sức sâu sắc đến đời sống của nhân dân.
Theo dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022). Dự án được xem xét theo quy trình 3 kỳ họp, cho ý kiến lần hai vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp cùng Chính phủ để xin ý kiến toàn dân về dự án Luật.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo để thảo luận về những vấn đề chung, cơ chế, chính sách về tài chính đất đai; vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; chế độ quản lý và sử dụng đất đai và một số nội dung chính sách khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra yêu cầu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai. Việc sửa đổi Luật đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và nguyên tắc pháp chế; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực, cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng XHCN, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách.
Tổng Hợp