Nhiều trường hợp khác cũng phản ánh đã làm xong hồ sơ vay vốn mấy tháng nay nhưng đến nay ngân hàng thông báo chưa thể giải ngân vì hết hạn mức. Vật vã vì “room” tín dụng, câu chuyện không chỉ đối với bất động sản…
Room tín dụng “nóng” lên nhiều thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, doanh nghiệp và người đi vay “nháo nhào” vì thiếu vốn. Lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp cũng lên tiếng phản ánh, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khi hạn mức hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp càng về các quý cuối năm càng lớn. Đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu gia tăng từng ngày, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lại càng “nóng” hơn bao giờ hết.
Thực tế, room tín dụng “nóng” lên nhiều thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, doanh nghiệp và người đi vay “nháo nhào” vì thiếu vốn. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, họ đã dùng gần hết room tín dụng 7% được cấp từ đầu năm, tức là bản thân có muốn cho vay cũng khó.
Theo tìm hiểu, sau khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, sau nửa năm Ngân hàng Nhà nước sẽ họp, xem xét và có điều chỉnh chỉ tiêu này theo tình hình kinh tế. Vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều kiến nghị được nới room tín dụng để cung cấp vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái nào. Điều này khiến nhiều khách hàng phải “bùi ngùi” chờ đợi hoặc nhận được lời từ chối thẳng thừng.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phía ngân hàng nhiều lần khẳng định không siết vốn tín dụng hay ngăn cản vốn tín dụng vào bất động sản, nhưng trên thực tế các thành viên của Hiệp hội bất động sản hầu hết lại “than” không tiếp cận được vốn vay trong giai đoạn vừa qua. Không chỉ doanh nghiệp, các khách hàng mua nhà ở tiếp cận vốn cũng cực kỳ khó khăn.
Ông Đính cho rằng, ngay với những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật, sửa chữa nhà cũng khó khăn trong việc tiếp cận vốn như vậy thì đó là “sự bất cập”, ảnh hưởng đến sự bền vững của thị trường.
Ông Đính nhắc lại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định “không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý”, cần khơi thông nguồn vốn.
“Đó là động viên rất lớn từ Thủ tướng đối với thị trường, làm ấm lòng doanh nghiệp”, ông Đính nhấn mạnh. Ông hy vọng trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm các nút thắt thị trường sẽ được tháo gỡ, ngân hàng đẩy mạnh phát triển tín dụng cho những dự án tốt, phù hợp, đẩy mạnh phát triển đô thị, nhà ở cho cộng đồng và tháo gỡ cho khách hàng…
Chuyên gia SSI Research cũng đã chỉ ra một số rủi ro có thể có đối với thị trường bất động sản, bao gồm việc tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà. Không chỉ vì lãi suất tăng, theo chuyên gia, việc hạn mức tín dụng ít có khả năng được nới lỏng cũng là rủi ro đối với ngành này.
Song không chỉ riêng với lĩnh vực bất động sản, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn với dòng vốn tín. Chờ vay mới, chờ giải ngân đối với hợp đồng cũ… đang là “cơn đau đầu” của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Một số nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận, bản thân ngân hàng cũng “mòn mỏi” chờ cấp thêm “room” vì năm nay “căng thẳng”, lo lạm phát. Nhiều khách hàng rất cần giải ngân nhưng phải xếp “lốt” chờ, khi có khách trả nợ thì dư nợ cho vay giảm, sẽ “nới” được thêm.
Đại diện phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room” tín dụng là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Còn việc từ chối cho vay đối với khách hàng, theo đại diện NHNN, không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…
Đại diện NHNN lý giải với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tổng Hợp