Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Mặt khác, doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như các khách hàng quốc tế, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào, bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh không chỉ bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, ngay cả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa thực sự là tin tốt khi áp lực cạnh tranh cũng gia tăng.
Ông Nghĩa phân tích, chỉ số USD Index (DXY) tăng mạnh nhưng là so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, không so với VND, do đó các đối tác thương mại với Mỹ thời điểm này có lợi vì đồng USD tăng giá.
Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không có lợi nhiều vì đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 2% trong 6 tháng qua, trong khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác tới 9-10%.
“Khi nhiều đồng tiền của các quốc gia khác mất giá mạnh trong khi đó VND neo theo USD. Do đó, dù tiền đồng giảm giá 2% so với USD nhưng tăng so với nhiều đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)…, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Từ đó gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ”, ông Nghĩa cho hay.
Đặc biệt, đồng USD tăng giá có lợi cho Trung Quốc, và có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tương tự như vậy, VND tăng giá sẽ có lợi cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và không có lợi cho hàng Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ là thị trường thương mại lớn của Việt Nam, vì vậy đây là bất lợi đối với Việt Nam trong trung hạn.
Theo dự báo của ông Nghĩa, tỷ giá USD/VND năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 2,5%. Điều đó có nghĩa, trong 6 tháng cuối năm mức biến động của tỷ giá chỉ vào khoảng 0,5% – thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.
“Mức biến động của tỷ giá chỉ nên duy trì dưới 2,5%, nếu lên tới 4% đó là một vấn đề lớn. Khi đó, lạm phát tăng lên và số ngoại tệ bỏ ra để ổn định lại tỷ giá khá lớn”, ông Nghĩa nói.
Lãnh đạo công ty nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đông lạnh vào thị trường Việt Nam trụ sở tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp cũng rất “đau đầu” khi tỷ giá tăng mạnh như thời gian qua bởi hàng hóa của doanh nghiệp nhập khẩu về chủ yếu lại đến từ Mỹ.
“Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nên đương nhiên tiền thanh toán cũng bằng USD, vì vậy khi tỷ giá tăng chi phí sẽ đội lên. Chẳng hạn như đơn hàng chúng tôi đang nhập, giá trị khoảng 300.000 USD, nay đội thêm khoảng 140 triệu đồng vì rủi ro biến động tỷ giá”, vị này cho hay.
Cũng theo chia sẻ của doanh nghiệp, thay vì ký hợp đồng 6 tháng như trước đây, do rủi ro về tỷ giá thời gian ký hợp đồng cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp với các đối tác cũng phải giảm về 3 tháng.
Tổng Hợp