Câu chuyện doanh nghiệp địa ốc chậm triển khai dự án dù đã bán nhà cho khách hàng, thậm chí có những dự án đã được cấp phép, nhưng sau đó UBND TP.HCM thu hồi lại giấy phép xây dựng dự án đã cấp khiến doanh nghiệp phải dừng xây dựng dự án trong khi khách hàng chờ nhà để ở.
Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững. Để thị trường BĐS tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Đặc biệt từ đầu năm 2022 TP.HCM mới chỉ có 2 dự án chung cư được phép bán nhà trong tương lai.
Theo số liệu mới đây được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố, trong 3 năm (2015 – 2018), TP.HCM có đến 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư. Và cũng từ năm 2018 tới nay, đã có hàng chục cuộc họp giải cứu các dự án bất động sản được UBND TP.HCM tổ chức. Tại các cuộc họp này, các doanh nghiệp đã “khóc ròng” vì có đất nhưng không thể triển khai dự án.
Đỉnh điểm là vào tháng 3/2022, 55 doanh nghiệp bất động sản đồng loạt ký vào đơn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM với nội dung cầu cứu đó là việc quá chậm chạp trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà, thủ tục cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư… đã làm cho các dự án “đứng hình” hàng chục năm.
Hay như đơn cầu cứu mới đây của chủ đầu tư dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (TP. Thủ Đức) là Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền đã hơn 10 năm chưa triển khai được do chưa được giao đất dù phần đất thực hiện dự án công ty đã quản lý, sử dụng từ năm 1993. Công ty này đã nhiều lần cầu cứu UBND TP.HCM xem xét chấp thuận sớm giao đất để thực hiện dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý, để có thêm nguồn cung 291 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội của thành phố.
Hay như Công ty Nam Long, có 2 dự án nhà ở xã hội là dự án EhomeS và Ehome5S tại huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức, với tổng số 3.000 căn hộ nhà ở xã hội bán, cho thuê mua. Công ty đã hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội 2% lãi suất trong 2 năm đầu tiên (chỉ phải trả 7%/năm thay vì 9%/năm) và đã bàn giao nhà cho người mua hơn 3 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được xác định giá bán nhà ở xã hội nên chủ đầu tư chưa thể làm được sổ hồng cho người mua nhà và cũng chưa quyết toán được công trình.
Ngoài ra, Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cũng cho biết hiện có khoảng 80 dự án bất động sản tại TP.HCM đang bất động chờ được “giải cứu” cấp phép pháp lý để triển khai. Tập đoàn Đất Xanh Group, Trung Thuỷ, Him Lam Land, Vietcomriel…. cũng là những doanh nghiệp nộp đơn cầu cứu nhiều lần tới lãnh đạo TP.HCM với việc các dự án bất động sản đã nhiều năm chưa thể triển khai dù có những dự án đã “lỡ” bán nhà cho khách hàng.
Dù cầu cứu “mãnh liệt” như trên nhưng trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng mới đây cho biết nguồn cung nhà ở năm 2021 của TP.HCM giảm 35,48% (chỉ có 20 dự án huy động vốn), tổng số căn nhà giảm 14,51%; căn hộ bình dân giảm về 0%; căn hộ có giá từ 20 – 40 triệu đồng/m2 giảm còn 26,02%; căn hộ giá trên 40 triệu đồng/m2 tăng 73,98% là phân khúc tăng cao nhất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững. Trong đó, vấn đề nổi lên là cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường này phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, do hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế; nhưng ngược lại thị trường bất động sản bất ổn sẽ kéo theo sự bất ổn của thị trường vốn và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng Chính phủ cần giải cứu một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp địa ốc đang gặp phải đó là hiện nay một số vướng mắc về “thể chế pháp luật” và công tác “thực thi pháp luật” của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là một số cán bộ công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng có tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị vướng rủi ro pháp lý trong thi hành công vụ” nên chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất giải quyết.
Tổng Hợp