Sau đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán từ tháng 4 đến nay, thị giá nhiều cổ phiếu ngành bất động sản đã giảm 30 – 40%, thậm chí một số cổ phiếu đã giảm hơn một nửa… so với vùng đỉnh.
Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn và có tiềm lực tài chính mạnh vẫn được xem là những cổ phiếu tiềm năng trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần đánh giá lại triển vọng của từng doanh nghiệp, dựa trên các tiêu chí như tài chính đủ vững để sống sót sau dịch; có các dự án có thể hoạch toán lợi nhuận, tạo điều kiện đón điểm rơi kết quả kinh doanh sau dịch; quỹ đất lớn để triển khai các dự án mới…
Nhận định được Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra, nhóm bất động sản vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 nhờ 4 yếu tố: đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng; môi trường lãi suất thấp; kinh tế hồi phục sau giai đoạn Covid-19 và nhu cầu thật vẫn tăng cao, cung bất động sản hồi phục nhờ gỡ nút thắt pháp lý ở nhiều dự án.
Với thực trạng nguồn cung nội đô khan hiếm, nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt các doanh nghiệp có dự án tại vùng ven kết nối thuận lợi vào trung tâm như VHM, NVL, DXG, NLG… được kỳ vọng tiếp tục có xu hướng tốt trong giai đoạn nửa cuối năm. Đặc biệt, những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, liên quan đến việc đẩy mạnh bán dự án tăng doanh thu nửa cuối năm 2022 như Vinhomes (mã VHM), Nam Long (mã NLG)…
Đơn cử, Nam Long dự kiến doanh số bán sản phẩm hơn 23.400 tỷ đồng đến từ các dự án Southgate, Izumi City, Mizuki, một số dự án ở Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai…; lợi nhuận năm 2022 ước đạt 1.508 tỷ đồng. Trong đó, quý I là 357 tỷ đồng, quý II là 229 tỷ đồng, quý III là 427 tỷ đồng và quý IV là 495 tỷ đồng.
Hay tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.703 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế là 1,344 tỷ đồng, bằng với thực hiện năm 2021.
Theo Ban lãnh đạo Công ty, mảng bất động sản sẽ mang về doanh thu 1.800 tỷ đồng, mảng năng lượng đóng góp doanh thu 1.700 tỷ đồng, còn lại là mảng khách sạn, văn phòng cho thuê.
Từ nay đến cuối năm 2022, HDG sẽ tập trung triển khai các dự án bất động sản trọng điểm như Bảo Đại. Dịch Vọng, CC3, CC1, HH, 62 Phan Đình Giót, Tạ Quang Bửu, Linh Trung Quận 8.
Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh triển khai tiếp thị các dự án mới, xây dựng chiến lược phát triển dự án phù hợp phát triển quy hoạch các khu công nghiệp, các quỹ đất đấu giá đấu thầu của các tỉnh; tập trung nghiên cứu các vùng có định hướng phát triển của Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh.
Năm 2022, DIG đặt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,2% và 48,2% so với thực hiện trong năm 2021.
Lãnh đạo DIG chia sẻ thêm, trong năm 2022, Công ty sẽ dùng hơn 10.465 tỷ đồng đầu tư phát triển dự án. Tại khu vực phía Nam, Công ty dự kiến đầu tư 9 dự án với tổng vốn 6.205,59 tỷ đồng. Trong đó, tại Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến đầu tư dự án Khu trung tâm Chí Linh; Chung cư A5, Chung cư A4 – Chí Linh; Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu; Khu phức hợp Cap Saint Jacques; Khu Dân cư đợt đầu 35 ha tại Đô thị mới Phú Mỹ ATA …
Tại Đồng Nai, DIG dự kiến đầu tư dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, Khu dân cư Hiệp Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Trong khi tại phía Bắc, Công ty sẽ đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với diện tích 192,91 ha; dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point, Phủ Lý, Hà Nam với quy mô 13,55 ha; dự án Điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang.
Dù có một vài phiên khởi sắc, song nhìn chung, nhóm bất động sản vẫn chưa có sự phục hồi, thậm chí còn được xếp vào nhóm có rủi ro cao trước động thái chính sách siết chặt quản lý với các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hạn chế vào các lĩnh vực đầu cơ.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến khá giật cục trong một phiên, “đầu phiên xanh, cuối phiên đỏ”, thậm chí giảm hết biên độ như cổ phiếu DIG, PTL, DXG… Trong nhóm đầu cơ, cổ phiếu liên quan tới FLC đang giảm sàn trắng bên mua thì phiên sau đó lại bật lại tăng trần và dư bán với khối lượng lớn.
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG) chia sẻ, dường như nhóm cổ phiếu bất động sản đang bị “đánh đồng”, dù hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì, thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo đánh giá của lãnh đạo DIG, thị trường chứng khoán đang khó khăn và dòng tiền ngắn hạn đang phân hóa nên ngành nào cũng chịu tác động.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cổ phiếu của phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đang được giao dịch ở mức hợp lý, thậm chí khá rẻ so với tiềm năng doanh nghiệp như VHM, KDH, NLG… Đây cũng là những doanh nghiệp sở hữu các tiêu chí như sắp triển khai các dự án đã được cấp phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có khả năng cao được cấp phép trong năm 2022.
Dù vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng, dù đã điều chỉnh mạnh kể từ vùng đỉnh, nhưng nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn chưa về giá trị thật doanh nghiệp. Do vậy, nhà đầu tư cần chờ thêm thời gian trước khi tham gia trở lại nhóm này. Riêng phân khúc bất động sản khu công nghiệp thì có nhiều tiềm năng hơn và nhiều cổ phiếu vẫn còn ở mức định giá hấp dẫn.
Tổng Hợp