Trong 5 tháng vừa qua cho thấy, về cơ bản dòng vốn vẫn tích cực. Tất nhiên vẫn chậm hơn bởi một số lý do về việc ngân hàng cho vay như thế nào.
Bên cạnh những hệ lụy của việc siết tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang phải đối mặt với những điểm nghẽn. Hệ thống pháp luật còn bất cập, chồng chéo, không rõ ràng, phức tạp, ví dụ như condotel đã đề cập cách đây 5 năm nhưng vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Những chính sách về phát triển bất động sản chưa phù hợp, câu chuyện công khai minh bạch của thị trường còn rất yếu.
Công tác quy hoạch là vấn đề nan giải. Tôi cho rằng cần phải chú trọng hơn quy hoạch tại các đô thị mới, các khu trung tâm kinh tế mới, khu vực đặc thù… Tài chính bất động sản bao gồm thuế, phí và các kênh dẫn vốn khác nhau từ vốn tư nhân, vốn Nhà nước, vốn FDI đều còn nhiều bất cập. Đơn cử như thuế vẫn đang tranh luận có đánh thuế bất động sản hay không, đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3 như thế nào? Cuối cùng vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng hay một phương án khả thi.
Năng lực tư duy của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản vẫn chưa chuyên nghiệp. Thủ tục hành chính còn khá phức tạp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai còn vô cùng phức tạp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản Việt Nam tiềm năng và triển vọng so với quốc tế. Trước đại dịch Covid-19, cụ thể là năm 2019, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 10% GDP. Nếu so với quốc tế, hai lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đóng góp thấp hơn tại Ấn Độ, Trung Quốc. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hai lĩnh vực này.
Về yếu tố lan tỏa, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã công bố, lĩnh vực bất động sản đã lan tỏa tới ít nhất 35 ngành nghề khác nhau. Điển hình là các ngành như xây dựng, du lịch, tài chính vốn.
Nói về dòng vốn thị trường bất động sản, vị chuyên gia cho biết, trong 5 tháng vừa qua cho thấy, về cơ bản dòng vốn vẫn tích cực. Tất nhiên vẫn chậm hơn bởi một số lý do về việc ngân hàng cho vay như thế nào.
“Chúng ta cần lưu ý rằng, trong 20% tổng dư nợ của ngân hàng cho bất động sản, có đến 65% là cho vay mua nhà ở, còn lại 35% là cho vay kinh doanh bất động sản. Thời gian vừa qua cũng đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về dòng vốn cho vay bất động sản của ngân hàng.
Ở các nước trong khu vực, vốn tín dụng vào bất động sản cao hơn Việt Nam nhiều, tính trung bình cao gấp 1,5 lần. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho kênh tín dụng vào bất động sản, bao gồm cả tín dụng vào nhà ở xã hội”, ông Lực nói.
Mặt khác, dòng vốn FDI, vốn trái phiếu đóng vai trò rất quan trọng với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong 2 tháng vừa qua, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất ít, chứng tỏ thị trường đã thận trọng hơn, đâu đó có những tác động từ chính sách, từ các vụ việc. Quốc hội cũng đã nhắc đến ý này để làm sao có thể kiểm soát rủi ro cho phù hợp. Ngoài ra, thu hút vốn của bất động sản rất lớn, minh chứng là ngành này luôn đứng thứ hai về thu hút vốn FDI.
Trong mấy năm qua, thị trường bất động khắp nơi liên tục “sốt nóng”, giá đất biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Không ít người đã kiếm bội tiền từ địa ốc, thậm chí chỉ cần bỏ tiền mua đất trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng, ai có vốn lớn có thể lãi tới tiền tỷ.
Mặc dù, cơn sốt bất động sản đã kéo trong thời gian dài nhưng nhiều người vì sợ mất cơ hội vẫn tiếp tục ôm tiền lao vào cơn sốt đu đỉnh. Đến nay, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền. Không ít nhà đầu tư “tay ngang” đang lo lắng “chôn vốn” vào nhà đất, khi đầu tư đúng thời điểm thị trường sôi động.
Tổng Hợp