Nói về dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đại biểu Quốc hội, cho rằng dự án đường Vành đai 3 không chỉ là cần thiết mà còn là cấp thiết, cấp bách. Ưu tiên vốn cho dự án đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM dài khoảng 47,51 km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 km, đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch; qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76 km, đi qua địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; qua tỉnh Long An dài khoảng 6,81 km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.
Về nguồn vốn, đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư sơ bộ 75.378 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Ông Mãi cho biết, dự án này không chỉ giúp TP.HCM và các tỉnh trong khu vực của dự án tháo điểm nghẽn giao thông mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế cả vùng phía Nam, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.
“Đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, còn là vành đai phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và kết nối vùng. Cho nên việc đầu tư xây dựng cho đường Vành đai 3 cần phải được triển khai ngay”, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, nguồn vốn để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, theo đó các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đảm bảo 50% vốn, riêng Long An 25%, còn lại là trung ương hỗ trợ.
“Đối với TP.HCM và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Long An chúng tôi đã trình Hội đồng Nhân dân và Hội đồng Nhân dân đã có kế hoạch cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương từ trung hạn 2021 – 2025, sẽ bố trí theo tiến độ dự án, theo khối lượng hàng năm để đảm bảo tiến độ của dự án”, Chủ tịch TP.HCM cho hay. Ông Mãi khẳng định, đối với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An việc cân đối ngân sách bố trí cho dự án không phải vấn đề khó khăn lớn.
Cũng theo ông Mãi, việc ưu tiến vốn cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các địa phương sẽ không gặp khó khăn bởi TP.HCM hiện có một khoản chưa dùng hết đó là vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Sắp tới TP.HCM sẽ thực hiện phát hành trái phiếu này để huy động vốn cho dự án.
Bên cạnh đó, theo vị Chủ tịch TP.HCM, ít nhất có 3 nguồn thu đã được TP.HCM và các địa phương tính toán đến để đảm bảo khả năng cân đối vốn, trả nợ cho dự án.
Thứ nhất đó là khai thác quỹ đất ven tuyến. Như TP.HCM, ông Mãi cho biết, có trên 500 ha, có thể bán thu về khoảng 26.000 – 27.000 tỷ đồng.
Thứ 2, các khoản tăng thu của TP.HCM và các địa phương. TP.HCM và các địa phương kể trên đều có điều kiện thu ngân sách tốt trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay.
Thứ 3, là phát hành trái phiếu. Chưa kể, sắp tới TP.HCM tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ có nguồn thu hay các nguồn thu từ đất khác.
Nói về hai nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc triển khai dự án đường Vành đai 3, Chủ tịch TP.HCM cho biết đó chính là việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ cho dự án, và việc tổ chức thực hiện dự án.
Riêng giải phóng mặt bằng, TP.HCM và các địa phương đã ngồi lại với nhau lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, thống nhất từ chính sách, cách thức triển khai và ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. TP.HCM và các địa phương sẽ triển khai những bước cần thiết để bắt tay vào công tác kiểm kê lên chính sách đền bù và giải phóng mặt bằng.
Tổng Hợp