Thực tế, tín dụng tăng cao đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận nhà băng dự báo tăng trong quý I cũng như cả năm 2022 khi các hoạt động giao thương trở lại bình thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ NHNN sẽ làm hạn chế tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank, khi lãi suất huy động ngân hàng tăng, về lý thuyết, người có tiền nhàn rỗi có xu hướng chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao, lại an toàn hơn so với các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu…
Mặt khác, dù lãi suất huy động tăng thì tiền gửi không kỳ hạn cũng không ảnh hưởng, bởi mục tiêu chủ yếu của nguồn tiền rẻ này là để giao dịch, chứ không phải để hưởng lãi suất. Thực tế, năm 2021, CASA tại nhiều ngân hàng đạt 30 – 40%, riêng tại Techcombank còn lên tới hơn 50%. Thế nhưng, các nhà băng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng CASA cao hơn trong những năm tới.
Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng vượt mức 14% nhờ nền kinh tế tiếp tục hồi phục tích cực. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, song tăng trưởng tín dụng vẫn đạt hơn 13%. Được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi kinh tế tích cực. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng quý I cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Riêng tại TP.HCM, tín dụng quý I/2022 của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đạt 3,65% – tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, một số ngành như công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch – khách sạn – nhà hàng, logistics… có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6%…
Tổng giám đốc MBBank (mã MBB) cho hay, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại ước đạt khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp và điều này tác động tích cực lên lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2022 của MBBank đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.
Năm 2022, MBBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 – 35%, phụ thuộc vào hạn mức do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp và kế hoạch lợi nhuận cả năm khoảng 19.800 tỷ đồng. Các công ty con trực thuộc MBBank cũng kỳ vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2022, chẳng hạn Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021; Công ty Chứng khoán MB (MBS) lãi 1.100 tỷ đồng, tăng 49%…
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) dự phóng, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MBBank có thể đạt 22.300 tỷ đồng, tăng trưởng 35%; biên lãi ròng (NIM) ổn định ở mức 5,1% và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình từ 42 – 44%.
Techcombank ước đạt lợi nhuận trước thuế từ 6.500 – 6.700 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 18 – 21% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng cao và chi phí tín dụng giảm mạnh.
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận quý I/2022 tăng cao nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực như ACB (mã ACB) đạt lợi nhuận hợp nhất khoảng 4.200 tỷ đồng (tăng 35%) tín dụng tăng 5,2%, huy động tăng 1,6%; SHB (mã SHB) đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 92%), tín dụng tăng 5%, tiền gửi tăng 2,5%; Sacombank (mã STB) lãi khoảng 1.500 tỷ đồng trước thuế (tăng khoảng 50%); VIB báo lãi 2.200 tỷ đồng (tăng 25%)…
Ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, kết thúc quý I/2022, Vietcombank (mã VCB) ước đạt lợi nhuận trước thuế từ 9.500 – 10.000 tỷ đồng, tăng 10 – 16% so với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng trưởng ở mức 6 – 7%. Trong kỳ, chất lượng tài sản cải thiện do nợ tái cơ cấu giảm, NIM tích cực hơn nhờ tối ưu hóa tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR). Đồng thời, Vietcombank còn ghi nhận khoản phí trả trước bancassurance trong quý đầu năm nay.
Với VietinBank (mã CTG), mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động ước tính ở mức cao (7% và 5%) tại thời điểm cuối tháng 3/2022, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể thấp hơn so với cùng kỳ, bởi khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với Manulife có thể chưa được ghi nhận ngay trong quý I/2022.
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng tương ứng 10% và 20%; tổng tài sản tăng 5-10%; tín dụng tăng 10-14%; nguồn vốn huy động tăng 10-12%; nợ xấu dưới 2%.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận năm 2022 của VietinBank có thể đạt 21.500 tỷ đồng trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng cao 10 – 12%, thu nhập ngoài lãi cải thiện và áp lực trích lập dự phòng giảm, mà chưa bao gồm khoản phí bancassurance trả trước và lợi nhuận từ thoái vốn công ty con.
Tổng Hợp