Nhu cầu căn hộ tăng, cùng với việc nguồn cung bị trì hoãn khiến giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), kinh tế Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đang hồi phục rõ nét với số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, đạt 15.000 doanh nghiệp chỉ trong tháng 4, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Mọi hoạt động kinh tế đang sống động trở lại sau nửa cuối năm 2021 ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các nhà máy, công sở làm việc toàn thời gian trở lại, chấm dứt chuỗi ngày on-off. Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng lao động quay trở lại các thành phố đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, thống kê từ các văn phòng môi giới nhà đất cho thấy số lượng người hỏi thuê nhà/phòng tại các khu chung cư đã tăng vọt trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt tại TP.HCM. Với nhu cầu tăng cao, các hợp đồng thuê nhà trước đó (có thời hạn thông thường 1 năm) đều được ký với mức giá tăng tới 10% hoặc hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hạn hẹp, cung cầu lệch pha và hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp bất động sản thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu, kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp bất động sản “thở”? Trái phiếu “rác” nhất trong lĩnh vực BĐS làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh.
“Sức khoẻ của thị trường bất động sản phản ánh thực trạng, sức khoẻ của nền kinh tế. Nếu bất động sản yếu, nền kinh tế không thể mạnh. Làm sao để bất động sản như chim én báo hiệu mùa Xuân chứ không phải chim báo bão. Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải lúc nóng sốt, lúc đóng băng ”, ông Châu nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng nói rằng, bất động sản liên quan ít nhất 4 lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP là xây dựng, du lịch, lưu trú ăn uống và tài chính ngân hàng. Chưa kể, bất động sản là lĩnh vực liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau, thu hút vốn FDI tới 10% trong những tháng đầu năm 2022.
“Bất động sản là ngành liên thông chặt chẽ giữa ngân hàng – chứng khoán- bảo hiểm. Nếu bất động sản bị ảnh hưởng thì hệ lụy kéo theo hàng loạt. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta trên góc độ vĩ mô đang phục hồi rất tốt sau đại dịch, nếu để các yếu tố liên quan dòng vốn ảnh hưởng đến bất động sản, chứng khoán thì thực sự không đáng. Vì vậy, cần xem xét để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, bất động sản bền vững…”, ông Lực nói.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng không hề “khóa, siết” tín dụng bất động sản, mà kiểm soát rủi ro trong hoạt động này.
Theo ông Tú, đối với bất động sản chỉ kiểm soát chặt với bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp, còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích.
Tuy nhiên, sau sự kiện hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, nguồn vốn trái phiếu chảy vào bất động sản trở nên khó khăn, ngay cả các dự án bất động sản nhà ở. Trong tháng 4, thậm chí không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu huy động vốn.
VARS dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế (Ngân hàng MSB) cho thấy năm 2022 sẽ có khoảng 231.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Với tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua (chiếm xung quanh một phần ba giá trị phát hành), việc đáo hạn trái phiếu sẽ là thách thức mới của các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn.
VARS nhận thấy thị trường bất động sản căn hộ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân – đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay. “Phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM đều nằm ở các quận/ huyện cách xa trung tâm, nơi quỹ đất vẫn dồi dào. Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai” – VARS dự báo.
Nhấn mạnh quan điểm thị trường bất động sản chỉ có thể phát triển bền vững khi giải quyết được nhu cầu thực về nhà ở của số đông người dân, ông Lê Hoàng Châu phân tích, những người giàu hoàn toàn có thể tự tạo lập nhà ở theo sở thích, nhưng người thu nhập thấp rất cần những căn nhà ở phù hợp với thu nhập.
Thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn tới thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở. Riêng đối với TPHCM, đỉnh cao thị trường là năm 2017, các chủ đầu tư đã đưa ra thị trường 30.000 căn nhà ở/năm, những năm gần đây thấp hơn, chỉ khoảng 16.000 căn/năm. Thị trường cũng phát triển lệch pha, nếu năm 2020 có 1% là nhà ở giá thấp, thì năm 2021 là 0%.
Tổng Hợp