Điều đáng nói là dù nguồn lực này rất lớn, trong đó nhiều dự án đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành, nhưng đang phải chịu phận “con ghẻ”, bởi sau thời gian bùng nổ và được kỳ vọng là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà phát triển dự án, là trụ cột mới cho thị trường bất động sản, nhưng tới nay pháp lý cho nhiều sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới vẫn chưa được hoàn thiện, khiến người trong cuộc “rối lòng”.
Tại kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP ngày 4/11/2020 đối với 35 dự án chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, trong pháp luật đất đai hiện hành chưa có quy định về khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Việc chưa được định danh cụ thể khiến sản phẩm condotel gặp khó trong việc xác định các vấn đề pháp lý liên quan như sở hữu chung – riêng; bảo lãnh bán căn hộ hình thành trong tương lai, sử dụng quỹ bảo trì; tổ chức ban quản trị hay các vấn đề liên quan đến xác minh tài sản khác (thuế thu nhập cá nhân, tài sản vợ – chồng…). Điều này dẫn đến những cách hiểu khác nhau và là nguyên nhân của các mâu thuẫn, tranh chấp suốt thời gian qua.
Đến tháng 5/2022, khi ngành du lịch hoàn toàn mở cửa trở lại, một lần nữa câu chuyện pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được đem ra mổ xẻ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong ngắn hạn, cần ưu tiên xử lý các vướng mắc pháp lý dự án du lịch, nghỉ dưỡng, có cơ chế quản lý sử dụng đất phù hợp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tài sản cho người mua.
Với những dự án xây đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, theo chuyên gia này, cơ quan quản lý địa phương cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Các dự án và sản phẩm được hợp thức hóa phải đóng bổ sung tiền chuyển đổi mục đích theo giá thị trường và thuế sử dụng đất hàng năm do địa phương ban hành.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, tại 15 địa phương gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang, có tới 239 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 114.097 căn hộ condotel, 24.399 villas và 30.899 shophouse (nhà phố thương mại), tổng giá trị lên tới 30 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch, nhiều địa phương rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm “ngủ đông”. Đặc biệt, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với chung cư, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.
Trong khi đó, pháp luật điều chỉnh đối với thị trường cũng bộc lộ nhiều khoảng trống. Nhiều vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, đang bị bỏ ngỏ, làm mất niềm tin của khách hàng, sự an toàn của các chủ thể tham gia thị trường không được đảm bảo.
Tổng Hợp