Nợ xấu có chiều hướng giảm kể từ quý IV/2021, nhưng để kiểm soát nợ xấu, hầu hết ngân hàng đã gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro. Nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ tái cơ cấu.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) của Vietcombank cao kỷ lục, đạt 424% và duy trì trên mức 400% đến cuối quý I/2022. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng 4 đồng dự phòng. Theo đó, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, ngân hàng này vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng (tính đến cuối quý III/2021, quỹ dự phòng đạt 26.400 tỷ đồng). Năm nay, Vietcombank là nhà băng có khả năng hoàn nhập dự phòng cao, có thể đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng thương mại xử lý sớm một trong những áp lực lớn của ngành trong năm qua là nợ xấu.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 1,9%, nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. Rộng hơn, tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể (bao gồm nội bảng, bán cho VAMC và tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) là 7,31%, gần bằng con số cuối năm 2017 (7,4%).
Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng trong năm 2021 là điều đã được dự báo trước, bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống người dân. Lũy kế tổng giá trị nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch vào khoảng 616.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Techcombank ở mức 0,7% tính đến cuối năm 2021. Toàn bộ dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Techcombank trích lập dự phòng, sớm trước 2 năm so với thời hạn Ngân hàng Nhà nước cho phép (theo Thông tư 14).
Chi phí tín dụng sẽ giảm tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao, nhưng dự kiến tăng tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp. Dư nợ tái cơ cấu các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có vẻ đã đạt đến đỉnh điểm. Nợ xấu mới có thể không tăng nhiều, nhưng nợ xấu trên sổ sách có nguy cơ tăng trong năm 2022, do việc ghi nhận nợ xấu hình thành từ các khoản vay tái cơ cấu sau khi Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 7/2022.
Trong khi các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp có thể sẽ phải tăng trích lập dự phòng trong quý I/2022 và trong tương lai, thì các ngân hàng chất lượng với tỷ lệ LLR cao có khả năng gia tăng lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng. Quý I/2022, dự phòng của 27 ngân hàng niêm yết ước đạt 29.000 tỷ đồng, giảm 15% so với quý liền trước, nhưng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Chứng khoán Yuanta cho rằng, lợi nhuận năm 2022 của các ngân hàng một phần sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản thanh toán của những khoản nợ tái cơ cấu. Nợ xấu được công bố có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Nếu dư nợ tái cơ cấu được phân loại thuộc nhóm nợ xấu, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp sẽ phải bổ sung trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Hiện tại, thị trường kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ gia hạn Thông tư 14 nhằm giúp các ngân hàng xử lý các khoản nợ tái cơ cấu, từ đó hỗ trợ nền kinh tế nói chung. Nếu Thông tư 14 không được gia hạn, tình hình nợ xấu cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp tăng lên và nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ tái cơ cấu.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kinh tế dần tích cực hơn, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng trở lại, dẫn đến khả năng trả nợ được cải thiện, nhất là đối với các khoản nợ tái cơ cấu. Mặc dù thời hạn kết thúc của các khoản nợ tái cơ cấu là cuối tháng 6/2022 theo quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN, song không ít khách hàng đã nhanh chóng hoàn tất trả nợ khi có nguồn thu.
Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, sức khỏe của các doanh nghiệp dần hồi phục kể từ quý IV/2021, trong thời gian hậu giãn cách. Sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế gia tăng đã đẩy tín dụng của ngành tăng trưởng cao trong quý I/2022, đạt 5,04%. Tín dụng cải thiện, khách hàng dần tất toán nợ tái cơ cấu để có thể vay mới nên nợ xấu giảm.
Tổng Hợp