Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ trong 3 năm qua, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, sau sự cố vỡ nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande ở Trung Quốc, chắc chắn cơ quan quản lý không muốn điều tương tự xảy ra tại Việt Nam. Huy động vốn qua kênh tín dụng, trái phiếu bị siết chặt khiến các doanh nghiệp bất động sản thực sự… khó thở.
Trong năm 2022, đây vẫn sẽ là những kênh được sử dụng thường xuyên trong bối cảnh kênh tín dụng và trái phiếu bị siết chặt. Ngược lại, các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc mục đích sử dụng vốn chưa phù hợp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, khi doanh nghiệp phải tìm đến kênh trái phiếu thì thường đã ở thế khó tiếp cận tín dụng, bởi thông thường, lãi suất trái phiếu cao hơn đáng kể lãi vay ngân hàng và chi phí cũng đắt đỏ hơn (chi phí dàn xếp bảo lãnh, chi phí tư vấn…).
Chuyên gia này đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn là sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp bất động sản nói chung, doanh nghiệp chưa niêm yết nói riêng và đưa cổ phiếu lên giao dịch là một giải pháp khả dĩ. Tuy nhiên, muốn niêm yết và huy động vốn thành công qua kênh này thì doanh nghiệp phải thỏa mãn nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phải minh bạch, chuyên nghiệp.
“Thị trường cổ phiếu hoạt động dựa trên cơ sở minh bạch của doanh nghiệp nên hàng rào kỹ thuật cũng nhiều hơn, trong khi tính minh bạch trên thị trường trái phiếu còn hạn chế, cũng chưa có xếp hạng tín nhiệm và nhà đầu tư chủ yếu mua qua sự tư vấn của các môi giới nên chưa đảm bảo tính khách quan”, chuyên gia Thế Anh nói và cho biết thêm, các doanh nghiệp muốn huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu đô-la thường là doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ là một cách huy động vốn, mà còn là hướng đi tốt cho các công ty muốn đại chúng hóa và để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải công khai, minh bạch các hoạt động. Với trái phiếu ngoại tệ, theo ông Lực, đây cũng giải pháp các doanh nghiệp nên tính tới, tuy nhiên, cũng phải đủ tầm vóc, vị thế mới lựa chọn cách làm này.
“Tương tự như môn bóng đá, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ muốn thành công cũng cần phải có lộ trình, có nghĩa là phải chứng minh được thực lực từ sân chơi khu vực Đông Nam Á (Seagames), sau đó là châu lục (Asiad), rồi mới tính đến giấc mơ vươn ra thế giới (Wold Cup)”, ông Lực ví von.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023, ngắn hơn so với đề xuất trước đó là đến ngày 15/8/2025.
Dù thời hiệu xử lý nợ xấu bị rút ngắn và xuất hiện những yếu tố mới như căng thẳng địa chính trị quốc tế hay giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cản trở đà phục hồi của một vài ngành nghề, nhưng theo nhiều chuyên gia, nhìn chung, nền kinh tế vẫn đang trong guồng quay phục hồi mạnh mẽ, từ đó tác động tích cực lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng khả năng trả nợ vay cho các ngân hàng.
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, thời gian qua, các doanh nghiệp niêm yết nhóm bất động sản thường trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giữ lại lợi nhuận cho hoạt động đầu tư. Với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc IPO để huy động vốn từ nhà đầu tư đại chúng cần có thời gian, sự chuẩn bị để có thể thỏa mãn các điều kiện theo quy định pháp luật về chứng khoán.
Tổng Hợp