“Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết thêm 2 năm. Tuy vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu tại nghị quyết này, theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017), mà các khoản nợ phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết thì đều được xử lý theo cơ chế của Nghị quyết 42. “Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ; xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm; mua nợ theo giá trị thị trường… tăng cao. Toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết này toàn hệ thống đến cuối năm 2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 17,2% so với giữa tháng 8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Chính phủ đề xuất ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong khi chờ luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết ngày 15/8/2024). “Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19”, bà Hồng nêu.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ngoài các dữ liệu xử lý nợ xấu, cần đánh giá thêm về cơ cấu nợ trong mỗi lĩnh vực. Nợ trong bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào, rồi nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã cảnh báo nhiều lần, không phải bây giờ mới cảnh báo” và “chắc chắn tới đây rất nóng”. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về sở hữu chéo trong hệ thống. “Chúng ta mà lơi vấn đề này thì vĩ mô rất khó khăn”, ông Huệ cảnh báo. Mất ổn định vĩ mô là mất căn bản, giữ được ổn định vĩ mô mới xử lý được nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập việc xử lý các tập đoàn lớn có vi phạm gần đây. Theo bà, cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không. Bà Thanh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị, liên quan đến số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn… để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ. “Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh nói.
Tổng Hợp