Condotel xuất hiện và nở rộ ở Việt Nam từ năm 2014, thời điểm thị trường bất động sản đang ở giai đoạn phát triển thăng hoa.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong giai đoạn 2015 – 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường. Thời điểm đó, nguồn cung này được so sánh tương đương với tổng lượng sản phẩm đất nền – một sản phẩm đầu tư truyền thống tung ra trong vòng 10 năm vừa qua.
Trong đó, giai đoạn năm 2016 – 2017 được coi là thời kỳ hoàng kim của condotel tại Việt Nam. Tổng nguồn cung condotel trên cả nước năm 2016 đã lên tới 16.000 căn. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên thành 22.837 căn.
Chính vì thế mà ngay từ khi ra đời, loại hình này đã trở thành “đứa con lai” rất được các chủ đầu tư chiều chuộng. Không chỉ thế, nhà đầu tư cũng hào hứng với sản phẩm này. Nhưng thực tế, mọi thứ không phải đều màu hồng…
2015 – 2018 được coi là giai đoạn thăng hoa của condotel. Vào thời điểm đó, loại hình bất động sản “lai” này được giới trong ngành ví như hình ảnh “gà đẻ trứng vàng” bởi hầu hết dự án condotel đều sở hữu chính sách cam kết lợi nhuận khá hấp dẫn ở mức quanh 8-12%/năm. Chính vì thế condotel nhanh chóng trở thành trào lưu và là sản phẩm dẫn đầu thu hút vốn đầu tư.
Số liệu từ VARs cũng cho thấy, Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” của condotel khi số lượng căn mở bán tại địa phương này là hơn 11.800 căn. Xếp thứ hai trong danh sách là Đà Nẵng với khoảng hơn 7.000 căn được mở bán. Một vài điểm nóng thị trường condotel khác có thể kể tới như Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Sau khoảng 3 năm khuấy đảo các thị trường du lịch nghỉ dưỡng, từ cuối năm 2018, thị trường condotel bắt đầu có xu hướng chững lại. Theo VARs, năm 2018 trên thị trường đang có khoảng 8.000 căn hộ khách sạn đang được chào bán. Tỷ lệ mua trong quý III/2018 là 1.000 giao dịch, một con số rất thấp so với lượng cung hiện có trên thị trường. Con số chào bán thành công chỉ đạt tỷ lệ 20%.
Từ năm 2019 đến nay, giao dịch bất động sản phân khúc condotel bị chững lại. Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa hầu như không có giao dịch do khủng hoảng pháp lý của loại hình này. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, các hoạt động du lịch ngưng trệ, từ đó đến nay, đầu tư vào condotel gần như “đóng băng”.
Số liệu của VARs cũng cho thấy, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Gần như cả năm 2020, thị trường giao dịch condotel đóng băng. Đến quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch, song lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch chỉ khoảng 120 sản phẩm.
Còn tại Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2021 của DKRA Vietnam, phân khúc condotel vẫn xếp chót bảng về thanh khoản so với các loại tài sản khác (biệt thự, shophouse biển). Khảo sát thị trường được đơn vị này mở rộng ở cả ba khu vực miền Bắc – Trung – Nam.
Cụ thể, quý I/2021 đến quý III/2021 đã có khoảng 10.000 sản phẩm condotel được chào bán, tỷ lệ hấp thụ khoảng 30-40%. Nhưng, trong quý IV/2021, toàn thị trường condotel chỉ bán được 49 căn, thấp hơn quý III (giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19 tiêu thụ được 68 căn) và thấp hơn 15-18 lần so với hai quý đầu năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, bất động sản, về bản chất, condotel là một hình thức huy động vốn rất tốt mà các nước đã làm, đem lại lợi ích rất lớn, tốt cho thị trường.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bản chất của condotel là rất tốt, là xu hướng đồng thời là nhu cầu thực sự của thị trường, một “đứa con lai” có rất nhiều khả năng, phát huy tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng và tốt cho cả nền kinh tế, cho địa phương, chủ đầu tư, nhà đầu tư.
“Condotel là một kênh huy động vốn đầu tư xã hội, tạo ra giá trị gia tăng dòng tiền, biến những đồng tiền “nằm chết” trong góc tủ trở thành đồng tiền đầu tư mang lại hiệu quả. Việc huy động vốn này hoàn toàn hợp pháp theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014″, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, việc condotel phát triển bùng nổ ở nước ta đang gần như mang tính chất tự phát, vì chưa có pháp luật quy định một cách đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng để quản lý condotel, kể cả về quản lý Nhà nước cũng như quản lý các hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư.
Tổng Hợp