Nhắc đến Tân Hoàng Minh, trước hết phải kể đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm – cũng là sự kiện khiến tên tuổi Tân Hoàng Minh phủ kín truyền thông, được dư luận quan tâm, ngay cả với những người vốn ít khi quan tâm đến lĩnh vực tài chính hay bất động sản. Dưới quyền của ông Đỗ Anh Dũng là một hệ thống với hàng loạt doanh nghiệp như Công ty….
Dưới quyền của ông Đỗ Anh Dũng là một hệ thống với hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần D.Pay; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn; Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh; Công ty cổ phần nhà D’Land; Công ty cổ phần quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt…
Trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021, Công ty Ngôi Sao Việt (một đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh) đã chi ra với mức giá “khủng” lên tới 24.500 tỷ đồng tương ứng hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Ông Đỗ Anh Dũng là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và đưa ra mức giá.
Trong phiên đấu giá nói trên, mức giá ban đầu mà Ngôi Sao Việt đưa ra là 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi có nhà đầu tư khác trả giá thì ông Dũng lại đứng lên và đưa ra giá cao hơn. Màn đấu hấp dẫn tới phút cuối khi chỉ còn lại Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Capital One Financial. Đáng nói, tại phiên đấu giá này, ông Đỗ Anh Dũng “chơi trội” hơn hẳn với phong cách phủ đầu đối thủ cùng bước giá 400 – 500 tỷ đồng so với bước giá mà đối thủ đưa ra là 100 – 200 tỷ đồng.
Ở lượt đấu thứ 69, Capital One Financial đặt mức giá 23.800 tỷ đồng. Lúc này, ông chủ Tân Hoàng Minh tung đòn quyết định khi ra giá 24.500 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) – gấp hơn 8 lần giá khởi điểm – cho lô đất vàng hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm. Mức giá bình quân 2,4 tỷ USD cho mỗi m2 đất trong một phiên đấu giá được coi là “vô tiền khoáng hậu”.
Cuối năm 2021, sau vụ đấu giá đất “rúng động” nói trên, ông Đỗ Anh Dũng xuất hiện trên báo chí khẳng định việc đưa ra mức giá tới 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm là đúng giá chứ không hề phá giá.
“Mức giá 24.500 tỷ đồng đó thực tế là không quá cao, nếu nhìn vào mức giá mà người về nhì đặt ra là Công ty Capital One đã trả tới 23.800 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết và khẳng định: “Là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, tôi biết rằng mức giá này không chỉ là kỷ lục ở Việt Nam, mà không hề rẻ hơn so với cả các khu vực đắt đỏ nhất thế giới như Phố Đông – Thượng Hải, Mahatan- New York hay The Peak – Hong Kong… Tôi có thể dễ dàng giải các bài toán về kinh doanh với lô đất này, khi giá sàn những căn hộ ở đây có thể lên tới 400-500 triệu đồng/m2. Tôi có kế hoạch riêng của mình để đồng tiền bỏ ra đầu tư phải mang lại hiệu quả”.
Ông chủ Tân Hoàng Minh lúc đó cũng bày tỏ không muốn “đất vàng” rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, ông Dũng còn tuyên bố, “việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường – thực tế là không hề rẻ vì doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí “bôi trơn”, “đi đêm” cùng nhiều chi phí vô hình khác… Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch. Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra”.
Tuyên bố mạnh mẽ như vậy, tuy nhiên, đến tháng 1 vừa rồi, sau bức tâm thư gây xôn xao mạng xã hội của ông Đỗ Anh Dũng, cuối cùng, Tân Hoàng Minh cũng quyết định bỏ cọc, chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng. Theo đó, tập đoàn này tự nhận thức, việc trúng đấu giá cao như trên có thể dẫn đến sự xáo trộn và gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho lĩnh vực bất động sản TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Theo giới thiệu của ông Đỗ Anh Dũng, Tân Hoàng Minh “đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và tập trung mở rộng các lĩnh vực hoạt động xoay quanh trục bất động sản, có thể kể đến: sản xuất bê tông – vật liệu xây dựng, sản xuất đồ nội thất, phát triển chuỗi trung tâm thương mại vui chơi giải trí, chuỗi văn phòng khách sạn cho thuê, quản lý vận hành tòa nhà…”.
Ông Đỗ Anh Dũng từng thừa nhận trên báo chí rằng việc Tân Hoàng Minh khi phải thanh toán một khoản tiền khổng lồ cho vụ trúng giá là điều mà bản thân ông băn khoăn dù đã có dự trù về khả năng tài chính.
Theo quy định, Tân Hoàng Minh đã phải đóng tiền đặt cọc gần 600 tỷ đồng; trong 30 ngày kể từ khi cơ quan thuế ký thông báo phải đóng 50% và trong 60 ngày tiếp theo phải đóng nốt toàn bộ số tiền còn lại. Bản thân ông Dũng nhận thấy, đây là thời gian cực kỳ gấp gáp đối với doanh nghiệp với khoản tiền khổng lồ như vậy.
Lo ngại của ông Dũng là có cơ sở khi mà qua rà soát của Ngân hàng Nhà nước trên hệ thống, tính đến tháng 1 năm nay, không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, có một “cửa khác” mà Tân Hoàng Minh rất tích cực: trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2021, tập đoàn của ông Đỗ Anh Dũng ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp – vốn dĩ là một kênh được nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng những năm gần đây ưa dùng để huy động vốn một cách đắc lực và hữu hiệu.
Chỉ trong hơn 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 11/2021, 3 đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh đã tích cực huy động vốn bằng trái phiếu với những thương vụ phát hành nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, Tân Hoàng Minh đã thu về 4.900 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong giai đoạn kể trên.
Tân Hoàng Minh còn hứa hẹn với trái chủ, trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn cho biết sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn trả lại số tiền đã huy động cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
Mặc dù vậy, ngày 5/4, Tân Hoàng Minh vẫn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại tập đoàn này và các tổ chức, đơn vị có liên quan đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tổng Hợp