Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhập số liệu về tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng đầu năm 2022. Theo đó, tiền gửi của người dân đã dồn dập quay lại hệ thống ngân hàng. Tiền gửi dân cư tăng mạnh sau thời gian dài lép vế trước tiền gửi tổ chức.
Đánh giá chung toàn bộ thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù ít nhưng số liệu cuối tháng 1/2021 vẫn phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó. Bởi lẽ, khi kinh tế Việt Nam phục hồi, doanh nghiệp sẽ rút dần dần tiền gửi ngân hàng và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ chưa thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.
Ngoài ra, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản… nên dòng tiền nhàn rỗi của cư dân chắc chắn sẽ đổ về.
Tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi của cư dân đang ở mức 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 103.000 tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.
Trước đó, trong năm 2021, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành và ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các mặt của nền kinh tế nói chung, cũng như tình hình tài chính của người dân nói riêng.
Đồng thời, việc các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi, chứng khoán tăng trưởng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn… cũng chia sẻ một phần dòng tiền vốn dĩ được chảy về hệ thống ngân hàng. Số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2021 là năm đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân. Trong giai đoạn từ 2017-2018, số dư tiền gửi ngân hàng của dân cư đều cao hơn từ vài trăm nghìn tỷ cho tới hơn 1 triệu tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Song như đã nói, dòng tiền nhàn lỗi từ người dân dần trở lại khi hoạt động sinh lời tại các kênh đầu tư khác bắt đầu chững lại. Trong khi, nhiều ngân hàng đã liên tục tăng biểu lãi suất huy động từ cuối năm ngoái đến nay, có kỳ hạn tăng đến gần 1%/năm, khiến kênh gửi tiền trở nên hấp dẫn.
Trái lại, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,57 triệu tỷ đồng, giảm hơn 68.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương giảm 1,21%. Diễn biến giảm chủ yếu thể hiện tính mùa vụ khi các doanh nghiệp rút tiền để thực hiện chi trả hợp đồng, lương, thưởng cuối năm cho người lao động trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức giảm năm nay của tiền gửi từ các tổ chức kinh tế thấp hơn nhiều so với mức giảm 2,5% của tháng 1 hàng năm trong giai đoạn từ 2013 đến nay.
Điều này được giới chuyên môn giải thích rằng, hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu sáng trở lại, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng, dành vốn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh sau này và không mạnh tay chi thưởng cho người lao động. Vì vậy, tiền vẫn buộc phải gửi tạm tại ngân hàng.
Tổng Hợp