Một số ý kiến cho rằng đã đến lúc đánh thuế nhà ở, bất động sản song cũng có nhiều quan điểm lưu ý thận trọng đối với vấn đề này, bởi không sẽ lợi bất cập hại, tác động tiêu cực tới thị trường.
Một số quan điểm cho thấy thuế nhà ở không những khiến thị trường hoang mang mà còn khiến giá nhà càng tăng cao, khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân càng trở nên xa vời. Việc nghiên cứu cải cách thuế nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt với những quốc gia có điểm tương đồng. Việc đưa ra một sắc thuế cần thấu đáo, làm rõ các tác động, nếu không hợp lý sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Khi được hỏi về thuế nhà, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, với một chính sách lớn, có tác động sâu rộng tới hầu hết người dân, thông tin về chính sách cần đầy đủ, kịp thời, tránh gây bất ngờ cho người dân. Do chưa có nội dung cụ thể nên cũng khó đoán định sẽ tác động như thế nào nhưng ông Ánh cho rằng, thuế nhà cần đặt trong tổng thể hệ thống. Nếu không thận trọng, có thể sẽ dễ dẫn tới việc “thuế chồng thuế”, cùng với đó dễ phải các phản ứng trái chiều… Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của thuế nhà ở là tăng thu ngân sách, thay vì chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường bất động sản.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng Thịnh còn lo ngại thuế làm tăng thêm gánh nặng cho cả người dân, doanh nghiệp. Đánh thuế nhà thời điểm này không chỉ cản đường hồi phục của lĩnh vực bất động sản và của nền kinh tế hậu Covid-19 mà còn khiến giá nhà tăng, theo quan điểm của ông Thịnh.”Tôi cho rằng giá bất động sản vẫn sẽ tăng thôi, làm sao giảm được. Nếu mình áp thuế tài sản vào thì thuế đi đâu, nó sẽ vào giá nhà chứ đi đâu? Người mua nhà, thuê nhà phải chịu, chứ ai chịu”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết, bất động sản đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí. Việc bổ sung thêm thuế nhà ở sẽ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư kiệt quệ sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Theo tìm hiểu, các khoản thu với bất động sản hiện nay gồm thu khi xác lập và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu trong quá trình sử dụng tài sản gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất phi nông nghiệp; thu khi chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Chưa kể nhà ở là tài sản được hình thành từ nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế. Đánh thuế nhà ở đồng nghĩa đánh thuế kép trên thu nhập của người dân, có nguy cơ dẫn đến thuế chồng thuế. Theo ông Thịnh, trước đây việc thu thuế nhà thứ hai từng được đưa ra nhưng vấp phải phản đối. “Ví dụ như một “ông” có nhà đất cả 1.000m2 thì không phải đóng thuế, “ông” khác 2 cái nhà nhưng mỗi cái 30m2 thì phải đóng thuế, thế có hợp lý không?”, ông Thịnh đặt vấn đề. Nhưng nếu đưa ra loại thuế đánh vào bất động sản chưa sử dụng sẽ đạt được nhiều mục đích, tránh đầu cơ, tránh sử dụng lãng phí nguồn lực, đảm bảo cảnh quan đô thị và sẽ được nhiều tầng lớp dân cư dân cư ủng hộ.
Ông Thịnh cũng đồng tình cho rằng việc nghiên cứu sắc thuế cần xem xét, tham khảo bài học quốc tế. “Những gì người ta thấy bất cập, bỏ đi thì mình nên xem xét. Những gì gây tranh cãi thì cần thận trọng. Đưa ra những xáo động lớn lúc này là không cần thiết, đừng vội vàng đưa ra rồi lại giống như mấy năm trước”, ông Thịnh nhấn mạnh cần sự thấu đáo, thận trọng khi nghiên cứu, đưa ra vấn đề thuế.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, Bộ Tài chính mới chỉ đang nghiên cứu về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà, tài sản. “Từ nghiên cứu đến lúc đưa ra đề xuất chính thức là cả một khoảng cách. Khi đánh thuế nhà ở, thuế tài sản thì còn phải cải cách toàn bộ hệ thống thuế bởi liên quan đến rất nhiều sắc thuế khác”, ông Thịnh lưu ý. Cũng theo vị chuyên gia, khi áp thuế này cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hợp lý.
Bên cạnh đó, thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nên cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú “sốc” đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển. Cho rằng thị trường vẫn còn rất khó khăn vì đang trong đoạn phục hồi hậu Covid-19, ông Thịnh thẳng thắn nêu quan điểm: Nghiên cứu để tiến tới một hệ thống thuế bắt kịp với thực tế là cần thiết, nhưng nếu đưa ra đề xuất chính thức thời điểm này thì lại chưa hợp lý. Bởi đánh thuế tài sản, nhà ở lúc này dễ dẫn đến “xáo trộn”.
“Các cá nhân và hộ gia đình đa số đều vừa trải qua thời kỳ khó khăn, thu nhập giảm sút, nhà nào cũng lo lắng chi phí tăng thêm từ do giá cả mọi thứ leo thang, cộng thêm các chi phí từ xét nghiệm, thuốc men, cồn, găng tay… do đại dịch. Bây giờ lại lo thuế tài sản thế này thế khác sẽ khó nhận được đồng thuận”, ông Thịnh nói.
Tổng Hợp