Không ồ ạt bơm tiền để kích thích kinh tế, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng theo hạn mức cấp hàng kỳ. Cuộc chơi thị phần: Cờ đang ở tay ai?
Với cơ chế này, Ngân hàng Nhà nước là bên trực tiếp đứng ra chia thị phần tín dụng, dựa trên sức khỏe, nhu cầu và mức độ tuân thủ của các ngân hàng thương mại, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ chung.
Nguồn lực tài chính không thể bổ sung liên tục, kém linh hoạt trong điều hành, thận trọng với bối cảnh nền kinh tế khó khăn là những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng quốc doanh tỏ ra lép vế so với các ngân hàng ngoài quốc doanh trong cuộc đua thị phần những năm gần đây. Thực trạng này được thể hiện rõ trong năm 2021.
Thống kê đối với 26 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 7,2 triệu tỷ đồng cho thấy, tăng trưởng dư nợ năm 2021 ở mức 15%, trong đó, mức tăng của các ngân hàng quốc doanh đều dưới 15%. Cụ thể, tăng trưởng dư nợ cho vay của Vietcombank đạt 14,4%, trong khi con số này ở BIDV và VietinBank lần lượt là 11,6% và 11,4%.
Đáng chú ý, trong số 4 ngân hàng thương mại ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay trên 20%, có tới 3 ngân hàng ngoài quốc doanh lớn, đó là Techcombank (tăng 25,2%), VPBank (tăng 22,2%) và MB (tăng 21,9%). Đây là những đối thủ lớn nhất của 3 ngân hàng quốc doanh kể trên trong cuộc đua thứ hạng lợi nhuận ngân hàng trong những năm gần đây.
Tính toán cho thấy tổng dư nợ của Techcombank, VPBank và MB chỉ bằng chưa đầy 1/3 tổng dư nợ của Vietcombank, VietinBank và BIDV. Nhỏ hơn, lại hoạt động theo cơ chế tư nhân, nên các ngân hàng ngoài quốc doanh tỏ ra linh hoạt hơn nhiều các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh còn có “nhiệm vụ chính trị” là đi đầu trong thực hiện chính sách tiền tệ, trong đó có nhiệm vụ đẩy tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi các ngân hàng tư nhân không phải gánh vác nhiệm vụ này, giúp tăng trưởng tín dụng dễ xoay xở hơn.
Có thể thấy rất rõ điều này nếu đi sâu vào tăng trưởng dư nợ cho vay của Techcombank và VPBank. Năm 2021, dư nợ cho vay cá nhân của Techcombank tăng tới 45%, từ khoảng 111.000 tỷ đồng lên khoảng 162.000 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 51.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3/4 tổng mức tăng dư nợ cho vay khách hàng toàn ngân hàng. Đặc biệt, phần lớn mức tăng dư nợ cho vay cá nhân tới từ phân khúc cho vay mua nhà với lượng dư nợ tăng thêm khoảng trên 38.000 tỷ đồng.
Có phần tương tự, dư nợ cho vay mua nhà của VPBank cũng tăng rất mạnh trong năm 2021, từ khoảng 36.300 tỷ đồng lên khoảng 54.300 tỷ đồng, tức tăng 50%, tương đương tăng khoảng 20.000 tỷ đồng, bằng gần 1/3 tổng mức tăng dư nợ cho vay toàn ngân hàng.
Thời sản xuất kinh doanh khó khăn nhưng lại là thời của “tiền rẻ”, nên việc tập trung mạnh vào hoạt động cho vay mua nhà là rất phù hợp trong bối cảnh trên, và các ngân hàng tư nhân đang tỏ ra năng động hơn với nhiều lợi thế từ cả chủ quan lẫn khách quan.
Ở khía cạnh khác, có một thực tế trớ trêu đối với các ngân hàng quốc doanh là dù phải thực hiện các “nhiệm vụ chính trị” nhưng ngân sách nhà nước lại rất khó khăn trong việc rót thêm vốn khi thẩm quyền quyết định nằm ở Quốc hội. Vừa qua, Quốc hội mới chỉ đồng ý rót thêm vốn cho Agribank, trong khi Vietcombank, VietinBank và BIDV đều chỉ được hưởng cơ chế giữ lại lợi nhuận bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì phải chia cổ tức bằng tiền để nộp về ngân sách như trước đây.
Hệ quả là tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank thường xuyên ở sát ngưỡng tối thiểu 8% và đã hết dư địa tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ do tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã ở mức tối thiểu 65%. Hiện nay, để tăng tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank hầu như chỉ trông chờ vào lợi nhuận giữ lại nhưng với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) không phải là cao, mức tăng tỷ lệ an toàn vốn hàng năm cũng tương đối khiêm tốn. Điều quan trọng là hạn mức tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào tỷ lệ an toàn vốn, nên những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của VietinBank khá thấp và năm 2021 cũng không phải ngoại lệ.
Không chỉ VietinBank, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV cũng dầy dặn gì, chưa đến 9%. Nhưng vẫn may là ngân hàng này còn dư địa phát hành cổ phiếu riêng lẻ và đang xúc tiến thương vụ này. Dẫu vậy cũng khó lòng chạm tới tỷ lệ an toàn vốn rất cao của Techcombank là 15% và VPBank là 14,3%. Ngay cả MB hiện cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn lên tới 11% và ngân hàng này có ROE nằm trong top 5 hệ thống.
Nhìn chung, trong cuộc đua thị phần tín dụng, có thể thấy cờ đang ở tay các ngân hàng ngoài quốc doanh lớn. Các ngân hàng tư nhân nhỏ tỏ ra chậm chạp khi trong số 26 ngân hàng trong diện thống kê, có 5 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay dưới 10%, đều là các ngân hàng tư nhân nhỏ như ABBank, PGBank, Saigonbank, BacABank và NCB; thậm chí, nhiều ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ vẫn còn đang vật lộn với một lượng đáng kể tài sản chất lượng kém còn tồn đọng.
Tổng Hợp