Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều lực cản trong năm 2021, song, nhóm cổ phiếu BĐS đã có một năm thăng hoa cùng với đà tăng chung của thị trường chứng khoán. Ở nhiều phiên giao dịch, nhóm BĐS đã đóng góp lớn vào đà tăng của VN-Index.
Nhiều doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng trưởng cao trong năm qua nhưng kết quả kinh doanh giảm mạnh, đơn cử như CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) hay CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (Mã: HQC).
Nhiều năm qua, kết quả kinh doanh của DRH Holdings được đóng góp bởi lợi nhuận từ công ty liên kết là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, Mã: KSB). Mặc dù doanh nghiệp vẫn có doanh thu từ mảng bất động sản nhưng không đủ bù đắp các chi phí.
Riêng trong năm 2021, Bimico đóng góp khoản lãi 17 tỷ đồng cho DRH Holdings, qua đó doanh nghiệp lãi ròng gần 14 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của các chuyên gia, đà tăng của nhóm cổ phiếu BĐS trong năm qua có cơ sở, tuy nhiên cần xem xét nếu tăng nóng trong ngắn hạn và đánh giá cả hai chiều: Bức tranh tích lũy trong quá khứ và kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai.
Từ 59 doanh nghiệp BĐS niêm yết, hầu hết các cổ phiếu đều tăng tăng giá trong năm 2021 (ngoại trừ VRE và TN1), trong đó có 30 mã tăng bằng lần.
Cổ phiếu PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt tăng mạnh nhất nhóm trong năm qua với hơn 742%. Năm 2021, doanh nghiệp đạt mức lãi kỷ lục trong ba năm gần nhất với hơn 17 tỷ đồng. Trong đó có hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận được ghi nhận ở quý III do doanh thu hoạt động môi giới tăng và phát sinh lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu,… Riêng trong quý IV/2021, Nhà Đất Việt lỗ ròng gần 1,6 tỷ đồng.
Hiện nay, cổ phiếu PVL thuộc diện bị kiểm soát kể từ năm 2017 (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) do “lợi nhuận sau thuế trên BCTC năm 2015 và 2016 (có tính đến ảnh hưởng ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) là số âm”, theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Trong số 20 mã tăng mạnh nhất, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) là hai doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên nghìn tỷ. Trong đó, doanh thu của Novaland được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như NovaHills Mui Ne, Saigon Royal, Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Victoria Village;…
Đất Xanh cùng hai doanh nghiệp khác gồm CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) và CTCP Đệ Tam (Mã: DTA) đã lội ngược dòng thành công trong năm qua khi kết quả kinh doanh đa có lãi trở lại.
Lãi ròng của Đất Xanh vượt 1.000 tỷ đồng nhờ các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm. Trước đó trong năm 2020, Đất Xanh lỗ ròng gần 496 tỷ đồng.
Ở quý cuối năm 2021, khoản lãi đầu tư hơn 300 tỷ đồng cùng với việc giảm chi phí đã giúp CEO Group lãi ròng gần 222 tỷ đồng trong quý, kết thúc chuỗi kinh doanh thua lỗ như 4 quý trước đó. Lãi ròng cả năm của doanh nghiệp đạt hơn 93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 67 tỷ đồng.
Năm vừa qua, hoạt động kinh doanh của CTCP Đệ Tam (Mã: DTA) đã khởi sắc và ghi nhận khoản lãi hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng gần 4 tỷ đồng). Đây là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp trong một thập kỷ qua.
Kết quả trên chủ yếu được đóng góp từ việc bán căn hộ, nhà, đất tại các dự án như Detaco, Detaco-Nhơn Trạch, VSIP Bắc Ninh. Riêng tại dự án VSIP Bắc Ninh, Đệ Tam đã hoàn thành dựng và bàn giao một block chung cư, nhà phố.
Đi cùng đà tăng giá của cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021 như Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG), CTCP Đạt Phương (Mã: DPG), CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Mã: HDC), CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (Mã: CKG),… hoặc lợi nhuận gấp nhiều lần so với năm trước đó như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC).
Cụ thể, lãi ròng của DIC Corp tăng 52% khi đạt 956 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm, DIC Corp đã chuyển nhượng căn hộ tại các dự án như Gateway Vũng Tàu và CSJ, quyền sử dụng đất thuộc dự án Nam Vĩnh Yên, nhà xây thô thuộc dự án Hiệp Phước,…
Đối với Đạt Phương, các mảng hoạt động chính gồm hợp đồng xây dựng, kinh doanh bất động sản đầu tư, bán điện thương phẩm,… nhìn chung đều tăng trưởng trong năm qua, nhất là hai quý giữa năm. Do đó, cả năm Đạt Phương lãi ròng kỷ lục hơn 359 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với năm trước đó.
Lợi nhuận của Kinh Bắc cũng tăng bằng lần trong năm 2021 với gần 784 tỷ đồng khi hoạt động cho thuê đất, chuyển nhượng bất động sản và bán nhà xưởng đều tăng mạnh.
Tổng Hợp