Về thời điểm cuối năm, thị trường đã “ấm” trở lại nhờ sự tăng nhiệt của hầu hết loại hình bất động sản. Ở một số địa phương, trong quý 4/2021 đã ghi nhận nhu cầu mua đất ở tăng mạnh so với cuối quý 3/2021, và đã đạt, thậm chí cao hơn nhiều so với trước giãn cách.
Hội Môi giới bất động sản nhận định, đến nay, nhiều khu vực, giá bất động sản đã tăng gấp 2 lần so với đầu năm và chưa có dấu hiệu giảm. Tại một buổi hội thảo được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận: giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Giá bất động sản một số nơi, một số phân khúc, đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.
Một trong những yếu tố đẩy giá bất động sản, theo nhiều chuyên gia là do chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đấu giá đất thành công với mức giá đấu thành công cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và gấp nhiều lần so với giá các khu đất xung quanh là cơ hội để cá nhân, môi giới, các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Trước diễn biến bất thường của thị trường bất động sản, trong tháng cuối năm 2021, nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng đã ra văn bản yêu cầu đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn để không xảy ra việc đầu cơ, “sốt đất” ảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Với sự xuất hiện lực cầu lớn, trong đó ước tính khoảng 30% đến từ các nhà đầu tư F0 trong khi nguồn cung vốn khan hiếm từ những năm trước, nay tiếp tục bị giảm sút bởi dịch bệnh và vướng mắc pháp lý, đã khiến giá bất động sản leo thang và leo ở mức cao. Trong tháng 12/2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bất động sản là một trong những ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Trong những tháng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản TP.HCM gần như “đóng băng”, hầu hết hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản thứ cấp… không thể diễn ra. Mức độ quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư với các sản phẩm bất động sản cũng sụt giảm nghiêm trọng, lượng tin đăng bán bất động sản cũng có thời điểm giảm tới 81%.
Khác với trước đây, trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM tâm lý nhà đầu tư chuyên nghiệp đã vững vàng hơn, từ đó chuẩn bị phương án dự phòng thích hợp. Có thể thấy rõ điều này thông qua việc chưa xảy ra tình trạng bán tháo, bên cạnh rất ít giao dịch bán giảm lời trên thị trường thứ cấp. Tình trạng cắt lỗ chỉ xuất phát từ những nhà đầu tư vốn mỏng do không chịu được áp lực của lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, nhà đầu tư vốn lớn vẫn có xu hướng mua nhiều hơn bán, để “dành” đất và tiếp tục chờ đợi cơ hội với quan điểm bất động sản là cuộc chơi dài hạn và kiên trì.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy vậy, do lực cầu vẫn duy trì mạnh cộng với nỗ lực tìm kiếm giải pháp bán hàng trong điều kiện “bình thường mới” của các chủ đầu tư, nên dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng, song số lượng giao dịch có thể nói là vẫn tương đối tốt.
Đầu tháng 10/2021, diễn biến dịch ở TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực và tiến vào thời kỳ “bình thường mới”, nhiều hoạt động kinh doanh, kinh tế được thúc đẩy hơn bao giờ hết. Thống kê từ chuyên trang Chợ Tốt Nhà cho thấy, thị trường bất động sản TP.HCM đã thật sự “ấm” lại trong quý IV/2021 nhờ sự tăng nhiệt của hầu hết loại hình bất động sản, đặc biệt là đất nền với nguồn cầu phục hồi gần 77% và nguồn cung tăng 5,7 lần so với giai đoạn giãn cách xã hội vào cuối quý III/2021. Các dự án, căn hộ chung cư và sản phẩm nhà liền thổ cũng sôi động không kém với mức tăng cung cầu ấn tượng chỉ trong vòng 1 – 2 tháng mở cửa trở lại.
Sau một thời gian dài phải dời lịch mở bán do dịch, cuối năm 2021 là giai đoạn bùng nổ của thị trường căn hộ. Các giao dịch được hâm nóng giúp “giải khát” nhu cầu bất động sản đang tăng lên của người mua.
Tổng Hợp