Theo quy hoạch phát triển TP.HCM đến năm 2020, toàn Thành phố có 23 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích hơn 5.800 ha, nhưng đến nay mới triển khai được 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao với diện tích xây dựng khoảng 3.500 ha, tức là còn khoảng 2.000 ha đất công nghiệp chưa được triển khai.
Thực tế, TP.HCM đã có sẵn quỹ đất, nhưng do vướng pháp lý nên chưa thể triển khai. Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), vướng mắc chủ yếu liên quan đến thủ tục đất đai và định giá cho thuê.
Lấy dẫn chứng, ông Bé cho biết, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, giai đoạn 2 đang có 200 ha đất, đã làm xong hạ tầng, nhưng hơn 5 năm nay không cho thuê được do các cơ quan chức năng chưa định giá tiền thuê đất của Nhà nước một lần cho 50 năm. Chủ đầu tư khu công nghiệp này như “ngồi trên lửa” vì bị chôn vốn hàng ngàn tỷ đồng, nếu thời gian càng kéo dài thì thiệt hại sẽ càng lớn.
Hay tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Cơ khí ô tô của Công ty cổ phần Hòa Phú (thuộc Tập đoàn Samco), tuy có đất nhưng lại vướng pháp lý nên không thể triển khai xây dựng hạ tầng cho thuê. Trong giai đoạn 2 dự án, chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng hơn 98% với gần 63 ha và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan chức năng, nhưng khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì bị “ngâm” cả năm trời không trả lời.
Theo đại diện Hòa Phú, doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Đất đai năm 2013, nên năm 2015 (giai đoạn 1) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 32 ha, trong tổng số 99 ha đất được quy hoạch. Doanh nghiệp cũng đã cho thuê hết diện tích đất này, nhưng đến giai đoạn 2 thì gặp khó khăn.
Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố còn 11 khu công nghiệp chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng với hàng trăm hộ dân chưa di dời, trong đó có những khu công nghiệp hoạt động hơn 20 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác này.
Chẳng hạn, huyện Bình Chánh còn 3 dự án, trong đó Khu công nghiệp Vĩnh Lộc do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) đã thành lập từ năm 1997, nhưng đến nay vẫn còn gần 13 ha đất của 62 hộ dân chưa bồi thường xong, vướng mắc nằm ở chỗ: Quyết định của UBND TP.HCM về việc di chuyển cư dân và quy định đền bù, trợ cấp thiệt hại cho các hộ dân thuộc dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã bị bãi bỏ theo quyết định 48/2009/QĐ-UBND. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM sửa một phần Quyết định 48, khôi phục hiệu lực để tiếp tục thực hiện việc bồi thường cho dân, thu hồi đất để thực hiện phần còn lại của dự án.
Hay như dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Lê Minh Xuân do Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư, tính đến năm 2011 vẫn còn 6,9 ha đất chưa bồi thường, với giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020, khu vực này đã được xây dựng dày đặc với 535 căn nhà, dự kiến số tiền bồi thường tăng lên tới 475 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư).
“Đã rất lâu rồi TP.HCM chưa có một khu công nghiệp mới, trong khi quỹ đất và số khu công nghiệp ở các địa phương lân cận đều vượt trội”, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) bắt đầu câu chuyện với phóng viên bằng việc đề cập tới hiện trạng quỹ đất công nghiệp của Thành phố.
So sánh quỹ đất công nghiệp của TP.HCM với một số địa phương lân cận, ông Hưng cho hay, hiện Tây Ninh có 11.000 ha đất công nghiệp (5 khu công nghiệp), con số này ở Bình Dương là 18.000 ha (32 khu công nghiệp), Đồng Nai có 28 khu công nghiệp… Các chỉ số thu hút công nghiệp của những địa phương này này bắt đầu vượt TP.HCM.
Theo ông Hưng, giai đoạn 2010-2015, TP.HCM vẫn đi đầu trong nhóm các địa phương phát triển mạnh công nghiệp, các chỉ số kinh tế trong công nghiệp cũng dẫn đầu cả nước. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của Thành phố ngày càng thu hẹp, cho dù còn dư địa khai thác, từ đó dẫn đến hạn chế thu hút đầu tư.
“Tới thời điểm hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê hay khai thác ngay, trong khi theo quy hoạch, vẫn còn hàng ngàn héc-ta đất công nghiệp chưa được sử dụng”, ông Hưng nói.
Để tạo lập nguồn cung quỹ đất công nghiệp mới, lãnh đạo Hepza cho biết, một nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên trong năm 2022 là tham mưu cho TP.HCM kiến nghị Chính phủ thành lập khu công nghiệp mới có quy mô 668 ha, trong đó 90 ha dành để xây các khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân.
“Khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) sẽ tập trung thu hút đầu tư lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường”, ông Hưng nói và chia sẻ thêm, ngoài ra, Hepza cũng sẽ tham mưu TP.HCM chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn tới. Hiện nhiều khu đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng, trong đó nhiều nhà máy, xí nghiệp đã lạc hậu.
Việc thiếu hụt quỹ đất công nghiệp được xem là một thách thức lớn đối với TP.HCM trong việc thu hút đầu tư thời gian tới. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường mức độ nội địa hóa để giảm thiểu chi phí cũng như hạn chế những rủi ro khó lường khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tổng Hợp