Trong những tháng cuối năm, nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức ở các địa phương diễn ra sôi động. Theo đó, giá đất thường cao hơn nhiều so với thị trường trong khu vực, thậm chí còn gấp 2 – 3 lần gây nhiễu loạn thị trường.
Không ít nhà đầu tư tham gia đấu giá đất trong tâm thế “lướt sóng” kiếm lời, bỏ với mức giá cao phá vỡ mức giá trần của thị trường tại khu vực. Bên cạnh đó, nếu lướt sóng không thành công sẽ sẵn sàng bỏ cọc, gây ảnh hưởng kế hoạch thu ngân sách của địa phương và hàng loạt hệ lụy phía sau.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những người tham gia phiên đấu giá đều có mục đích khác nhau, nếu không phải người dân hoặc người làm việc tại khu vực đó thì đều có mục tiêu kinh doanh. “Những người mua họ sẽ đều tính toán đến giá trị thực để bỏ giá phù hợp với mục đích. Tuy nhiên khi xuất hiện hiện tượng mua với giá rất cao rồi bỏ cọc thì rõ ràng mục tiêu khác sẽ xảy ra, không ngoại trừ yếu tố đầu cơ, thổi giá đất trong khu vực tăng”, Theo ông Đính, đầu tiên nói đến là thiệt là người bỏ cọc là đã thiệt hại về tài chính, nhưng vì mục đích khác họ có thể thu được lợi nhiều hơn thì không đáng gì với tiền cọc.
Vị chuyên gia đưa ra giải pháp đối với trường hợp trả giá cao bỏ cọc: “Đối với trường hợp này thì cần hạn chế cho tham gia, thậm chỉ là cấm không cho tham gia để không làm nhiễu loạn thị trường. Kể cả các doanh nghiệp mua giá cao rồi bỏ cọc cũng cần có biện pháp xử lý để ngăn trạng tình trạng này”. Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, không phủ nhận việc đấu giá đất sẽ thu được ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, yếu tố đầu cơ gia nhập sẽ gây hệ lụy cho những người ở thực không với tới. Cùng đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư mà thị trường bất động sản khu vực đó đã cao khiến dự án khó thực hiện, hạn chế việc phát triển của địa phương.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, kết quả đấu giá đất thời gian qua cho thấy, mỗi năm nguồn tiền từ đây bổ sung vào ngân sách cho các tỉnh khá lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, khi kết thúc các phiên đấu giá, nhiều lô đất được các ông chủ rao bán với mức giá tăng cao. “Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ ‘lướt sóng’ cho những người khác ngay tại khu đất và có thể lãi từ 50-150 triệu đồng/lô”, vị chuyên gia nói. Bên cạnh đó, thực tế tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.
Nhận định về các đợt sóng bất động sản hay những đợt sốt đất được thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, TS.Sử Ngọc Khươngcho rằng, sóng thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên. Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Theo vị chuyên gia này, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được, và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội. Bất động sản là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Đón sóng không dễ, và không phải ai đầu tư cũng thành công.
“Tôi nghĩ rằng trong năm 2022 – 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 – 2023”, TS Khương nhấn mạnh.
Tổng Hợp