“Phần lớn là người mua để đầu cơ chứ không phải để ở. Họ mua xong rồi lại “đắp chiếu” bỏ đấy… Nếu ai hỏi mua thì bán với giá “trên trời”, người mua không thể mua được”. TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho hay.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2021, số lượng dự án bất động sản giảm đi khoảng 60%, còn lại chỉ 40% so với năm 2020. Số lượng giao dịch giảm đi một nửa so với năm 2020, nhưng số lượng giao dịch được cũng chỉ bằng một nửa số giao dịch. Lý giải khả năng tăng giá trên thị trường bất động sản hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chừng nào nguồn cung và cầu không gặp nhau nữa mà nó có xu hướng đi song song, thì giá nhà mới có khả năng ngừng tăng. 10 năm qua, cung và cầu vẫn gặp nhau, do đó giá bất động sản không ngừng tăng.
“Bất cập trong quy hoạch đô thị đang tạo sự mất cân đối cung cầu, khiến giá bất động sản ở tất cả phân khúc đều nóng. Gần như dự án dành cho người nghèo, người thu nhập thấp không có, trong đó nhiều quỹ đất lại phát triển dự án bất động sản cao cấp. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường, người lao động nói về chuyện có nhà ở tại Hà Nội vẫn là ước mơ xa vời”, ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dường như đang có sai lầm nghiêm trọng về quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Ở các nước trên thế giới, người nghèo thường ở trung tâm vì họ cần trường học cho con, con họ có thể đi bộ để đi học, họ cần dịch vụ công cộng và phương tiện giao thông công cộng… Người giàu dịch ra ngoài trung tâm để ở.
Còn ở Việt Nam, người nghèo không đủ tiền phải mua nhà ra ngoài trung tâm để ở. “Tôi nghĩ rằng, chuyện ách tắc giao thông trong tương lai là chuyện đương nhiên”, ông Nghĩa nêu quan điểm. “Hiện nay, theo quy định, các dự án lớn phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở, nhưng nếu ai không xây thì đóng tiền. Quy định này khiến đa số các chủ đầu tư dự án chọn phương án đóng tiền, điều đó chứng tỏ chúng ta không có tầm nhìn về quy hoạch đô thị. Khiến cho tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản đều nóng”, ông Nghĩa thẳng thắn cho biết.
Chia sẻ thêm về dòng tiền đang đổ vào bất động sản, TS. Võ Trí Thành – nguyên Viện phó Viện Quản lý Trung ương cho biết, có 2 luồng tiền trong bất động sản là từ chứng khoán mua bất động sản, xong từ bất động sản lại thế chấp chơi tiếp chứng khoán; luồng tiền thứ hai là rửa tiền. Theo TS. Vũ Đình Ánh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua có những giao dịch bất động sản nhà biệt thự tăng đột ngột gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Nhiều giao dịch không thể thực hiện thành công là do giá bất động sản tiếp tục tăng.
Mới đây, chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho hay, nhu cầu đầu tư và giá chào bán nhà đất tăng lên vì nguồn cung mới khan hiếm do vướng thủ tục pháp lý kéo dài, quỹ đất hữu hạn, chi phí đầu vào cao, chi phí tài chính phình to. Dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng đây là thời điểm cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính. Theo đó, trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã lướt sóng thành công, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản lúc này.
Tuy nhiên, trước những diễn biến tăng giá một chiều mà chưa phản ánh rõ bức tranh thị trường như hiện nay, nhà đầu tư nên thận trọng với những thông tin thổi giá. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá đất khu vực vùng ven thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP.Thủ Đức, H.Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) khuyến cáo nếu giá đất có tăng thì chỉ cục bộ ở một số khu vực, chứ không có chuyện tăng giá khắp nơi, sốt nóng như các thông tin gần đây vì thực tế nhu cầu về nhà đất vẫn còn chưa thể hồi phục sau dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất.
Việc mặt bằng giá BĐS tăng thể hiện những tác động của thị trường nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư cũng thận trọng với những thông tin thổi giá vin vào cớ nguồn cung hạn chế, hay sức mua tăng đột biến.
Tổng Hợp