Không chỉ đất đấu giá, đất nền nhiều khu vực dịp cuối năm cũng có sự tăng nhiệt, thậm chí cơn sốt đất đã “nhen nhóm” xuất hiện tại một số địa phương.
sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án, giá đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tăng dựng đứng. Cụ thể, giá đất thổ cư khu vực này hồi đầu tháng 10 chỉ có giá dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8 – 12 triệu đồng/m2 tùy khu vực.
Riêng tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang nay “nhảy dựng” lên 80 – 120 triệu đồng/mét ngang tùy khu vực. Gần Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa, giá đất trồng cây lâu năm từ 80 triệu/mét ngang nay tăng lên hơn 120 triệu, các khu vực tuyến đường lớn và gần biển có nơi lên khoảng 230 triệu đồng/mét ngang. Cơn sốt đất cũng nổi lên ở Cam Lâm trước thông tin quy hoạch và một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án “khủng”. Giá đất nhiều khu vực đã bị môi giới hét lên cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi.
UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) mới đây đã thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12/2021 cho đến khi Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND huyện Cam Lâm cũng vừa có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cam Lâm, UBND các xã và thị trấn Cam Đức về việc tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày ban hành văn bản cho đến khi có thông báo mới.
Hay tại Quảng Trị, sau khi có thông tin một tập đoàn lớn trúng đấu giá khu đất hơn 13 ha tại TP Đông Hà, giá đất khu vực quanh ngay lập tức đã tăng phi mã. Giá đất mặt tiền ở các đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh,… trước đây chỉ có giá vài trăm triệu đồng/mét ngang đã bị đẩy lên 1 – 1,8 tỷ đồng/mét ngang tùy vị trí.
Tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay sau thông tin khởi công nhà máy sản xuất pin của một tập đoàn lớn, giá đất tại xã phường như Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Lợi,… đã lập tức tăng dựng đứng. Nhiều mảnh đất trước đây chỉ có giá khoảng 100 – 200 triệu/mét ngang nay được môi giới thổi lên 300 – 600 triệu/mét ngang. Thông tin rao bán đất ăn theo dự án này cũng xuất hiện dày đặc trên các trang rao bán bất động sản.
Hay tại Lâm Đồng, tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật thời gian vừa qua diễn ra tràn lan trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Lâm Hà khiến nhiều đồi chè, cà phê bị xẻ thịt, gây bức xúc dư luận.
Câu chuyện ‘sốt đất” từng làm “nóng” thị trường bất động sản quý đầu năm và sau đó dần lắng xuống do sự vào cuộc của chính quyền địa phương và việc hạn chế đi lại do dịch bệnh. Thế nhưng, ngay sau giãn cách, một lượng lớn các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, cùng với các hoạt động đấu thầu, mở bán dự án,… được kích hoạt, chủ đề này lại được bàn tán sôi nổi khắp các diễn đàn. Điển hình nhất phải kể đến buổi đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa mới đây. Việc ông chủ Tân Hoàng Minh bạo tay trả 2,45 tỷ đồng cho 1m2 đất là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”.
Chỉ “sốc” thôi là chưa đủ, không ít người còn đưa ra những giả thuyết và hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư. Trong khi đó, một số người lại bày tỏ quan ngại về hiệu quả của khu đất sau này. Một số chuyên gia lại bày tỏ quan ngại bởi hiệu ứng của vụ đấu giá này có thể sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản, thậm chí kéo theo những hệ lụy khác. Như đánh giá của một vị chuyên gia, trước mắt, giá căn hộ hạng sang và siêu sang sẽ lập mặt bằng giá mới. Sau đó sẽ tới các phân khúc cao cấp và trung cấp.
Thiệt hại nặng nề nhất sẽ là phân khúc nhà thương mại giá rẻ và các kế hoạch bình ổn thị trường nhà giá thấp vì khi giá đất tăng cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào của các dự án nhà ở sẽ đội lên đáng kể. Trước đó cũng có rất nhiều địa phương liên tục tổ chức những phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mật độ dày và mức giá trúng cao gấp 3 – 4 lần, thậm chí gấp hàng chục lần.
Tổng Hợp