Dự báo về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu của thị trường bất động sản tăng trưởng theo. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh…
Nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt. Bàn về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, các chuyên gia VRES 2021 cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022. Ông Cấn Văn Lực cho biết, thị trường BĐS đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.
Nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.
Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, nguồn vốn tín dụng đổ vào BĐS cũng dồi dào. Theo đó, đến hết quý 3/2021, vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 6%, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS. Vốn tư nhân và vốn FDI đổ vào thị trường này tính đến tháng 11 đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm các lĩnh vực. Doanh nghiệp BĐS cũng đang xếp thứ nhất trên thị trường phát hành trái phiếu với 436.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2021.
Trong các tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã xảy ra sốt nóng cục bộ tại một số phân khúc, khu vực. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng nóng ở nhiều địa phương như TP Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP HCM (TP Thủ Đức), TP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận ( TP Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…
Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua. Tình trạng nêu trên diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai và cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên cơn sốt đất này cũng đã khiến cho thị trường nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới.
Trước câu hỏi, năm 2022, thị trường bất động sản có xuất hiện những cơn “sốt” đất không, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, khó có ‘cơn sốt’ mạnh như đã từng thấy trên thị trường thời gian qua; có thể sẽ vẫn còn ‘sóng’ nhấp nhô nhưng không mạnh, không ghê gớm.
Dự báo về thị trường BĐS năm 2022, ông Nguyễn Hoàng cho rằng, các dự báo về thị trường đều phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô. Ví dụ như trong năm 2021, các dự báo từ đầu năm đều không chính xác vì dịch bệnh bùng phát lần 4 nghiêm trọng đã làm thay đổi toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giả định rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và chúng ta đã xác định sống chung với Covid-19, các hoạt động kinh tế – xã hội – du lịch sẽ từng bước phục hồi. Theo đó, năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5 – 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước.
Theo ông Hoàng, thị trường bất động sản năm 2022 có thể diễn biến theo hướng: Nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ. Đến nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua. “Tuy nhiên, tôi không cho rằng sẽ có sốt đất hoặc sốt bất động sản trong năm 2022 vì theo quan sát, có thể thấy Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: chính sách tài chính, kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn,…”, ông Hoàng khẳng định.
Tổng Hợp