Sốt đất trở lại, xuất hiện khu vực giá đòi tăng gấp đôi gây choáng váng; Đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2, nỗi lo lớn nhất sau vụ đấu giá kỷ lục… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) đang có nhu cầu kinh doanh đồ Nhật, chủ yếu là các mặt hàng gia dụng và mỹ phẩm, đồ trẻ em nhưng vẫn chưa chốt được mặt bằng sau vài tháng tìm kiếm, hỏi han. Chị kể ưng một căn shophouse trên trục đường Tố Hữu nhưng giá lại khoảng 100 triệu đồng/tháng. Không kham được, chị đành chuyển hướng sang mặt bằng truyền thống với mức giá nhẹ nhàng hơn.
Theo chuyên gia, bất động sản mua đắt thì cho thuê cũng sẽ phải đắt (Ảnh minh họa: N.Mạnh).
“Nếu thuê được ở khu vực này, tôi tính toán sẽ tiện nhiều thứ. Nhưng với mức thuê ấy, tôi nghĩ dù có rất đông khách cũng không lãi nổi ngần ấy để trả tiền thuê nhà. Kể cả họ có bớt cho mình vài triệu thì vẫn cao”, chị Minh tâm sự.
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua giá bất động sản tăng cao nhanh chóng một cách bất thường chính là sự tích tụ “bong bóng”.
Một vấn đề quan trọng, theo ông Võ, khi giá cứ cao như vậy, việc tiếp cận sử dụng đất sau đó của người muốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê quá cao. Mua đắt thì cho thuê cũng phải đắt.
Tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh thời điểm cuối năm, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện đất đai tăng giá. Ông V. – chủ một quán bia mặt đường gần ngã tư Vũng Áng chỉ tay sang ngay lô đất bên cạnh nói: “Họ đang rao 600 triệu đồng một mét ngang đấy, hồi đầu năm cũng lô đất này đâu đó chưa đến 300 triệu đồng”.
Đứng bên cạnh, vợ ông V. tiếp lời: “Ôi người ta cứ rao vậy, cũng nhiều người hỏi nhưng mà giá cao thế không biết có ai dám mua không”.
Là người thạo thông tin trong vùng vì quán bia lắm người qua lại, kể chuyện, ông V. tiếp tục chỉ một khu đất phía xa hơn. “Lô đấy họ cũng đang rao bán, có lúc đòi tới 700 triệu đồng. Cơ mà họ có đất, họ đòi bao nhiêu chẳng được, nhưng đúng là có ai chịu mua không mới quan trọng vì giá tăng cao quá, năm ngoái giá còn chưa đến 200 triệu đồng”, ông V. nói.
Một môi giới ở vùng này cho biết thêm, ngoài khu vực Quốc lộ 1 qua Kỳ Trinh, nhiều nơi khác như ở Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên… cũng “nóng”. Gần đây nhiều dự án được phê duyệt vào khu vực này, nên giá đất cứ rục rịch tăng từng ngày, môi giới này cho hay.
Giá đất ở Kỳ Anh đang có dấu hiệu bị “thổi giá” khi tăng vống lên so với thời điểm đầu năm, trong khi hạ tầng xung quanh không có nhiều thay đổi (ảnh: N.M)
Cuộc đấu giá được tổ chức cuối ngày 10/12 đối với lô đất 10.060 m2 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TPHCM đã thiết lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, khoản tiền 24.500 tỷ đồng mà người thắng cuộc – ông chủ Tân Hoàng Minh – chấp nhận bỏ ra để giành quyền sở hữu lô đất này có mức bình quân 2,4 tỷ đồng/m2, cao hơn rất nhiều so với “đất vàng” quận 1 (TPHCM) hay khu Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cũng lo ngại những vấn đề mang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản sau con số trúng đấu giá gây “choáng váng” này.
Cận cảnh lô đất 2,4 tỷ đồng/m2 (Ảnh: Hữu Khoa)
Theo ông Đính, năm 2019 ở TP Thủ Đức, quận 9 đã xác lập mặt bằng giá mới. Khi đó, một loạt khu đô thị ra hàng, đưa ra mức giá 60 – 80 triệu đồng/m2 chung cư. Sau khi thiết lập đỉnh đó hệ quả ảnh hưởng rất nặng đến giá cả bất động sản tại TPHCM kéo theo một loạt dự án khác ở thành phố này có mức giá mới.
Trong bối cảnh đắt đỏ ấy, các loại nhà giá bình dân, giá rẻ và những dự án giá rẻ cũng bị “đẩy” lên thành giá trung cấp. Ông Đính cho biết, trong bối cảnh nguồn cung thiếu, điều này càng khiến giá nhà ở TPHCM bị “đẩy” lên dần dần và tiếp tục ảnh hưởng lan tỏa một loạt các tỉnh xung quanh như Bình Dương.
Một nguồn tin của Dân trí xác nhận 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã ký hợp đồng 3 bên vào hôm nay 17/12. Như vậy, các doanh nghiệp trúng đấu giá đều hoàn tất việc ký hợp đồng với cơ quan chức năng trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành công 10/12.
Theo nguyên tắc, sau khi đấu giá thành công, hợp đồng sẽ được ký kết giữa 3 bên gồm người trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TPHCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản thuộc Sở Tư pháp TPHCM.
Trong buổi đấu giá ngày 10/12, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt gồm Công ty Cổ phần Dream Republic mua lô đất 3-5 với diện tích 6.446 m2, giá 3.820 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.500 m2, mức giá 4.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh mua lô đất 3-9, diện tích 5.009 m2, giá 5.026 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Ngôi sao Việt mua lô đất 3-12 diện tích 10.060 m2, giá 24.500 tỷ đồng.
Nguyễn Khánh (tổng hợp)