Tại Hội thảo “Thị trường chứng khoán 2022-Chiến lược phân bổ tài sản và đầu tư hiệu quả” mới đây, ông Matthew Smith, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam nhận định rằng xu hướng thị trường năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực. Lạm phát có thể sẽ là thách thức lớn trong 2022…
Đầu tiên là yếu tố cơ bản tốt như chính sách tài khóa, tiền tệ, thu nhập cổ phiếu cao. Dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu EPS mang tính dự phóng cho 2022 khoảng 25% và 21% cho 2023, theo Bloomberg. Với Yuanta, dự báo EPS (25 công ty) kỳ vọng là 21% cho 2022 và 20% cho 2023.
Thứ hai, yếu tố cơ sở như thanh khoản được dự báo vẫn tốt, khối lượng giao dịch tăng. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong lịch sử, khiến cho nhà đầu tư chuyển tài sản sang đầu tư thay vì để tiền tiết kiệm trong ngân hàng”, ông nói.
Thứ ba là yêu tố tâm lý, nhà đầu tư vẫn đang rất lạc quan. Tài khoản cá nhân trong nước đang tăng lên cùng với nhận thức về tài chính của tầng lớp trung lưu đang phát triển ở Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2022. Năm 2018, con số tài khoản chỉ 1,5 triệu và bây giờ đã lên hơn 4 triệu tài khoản. Chỉ riêng tháng 11/2021 có hơn 221 nghìn tài khoản được mở. Ông cho rằng, với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất tiền gửi thấp, nhà đầu tư sẽ đưa tiền đầu tư vào chứng khoán.
Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt đang có nhiều điểm giống với thị trường Đài Loan giai đoạn những năm 80-90 với lãi suất thấp hỗ trợ, nhóm dân số trẻ, năng động, có khẩu vị chấp nhận rủi ro cao, thay vì mua bất động sản hay gửi tiền ngân hàng thì họ đầu tư cổ phiếu. Ngoài ra còn có yếu tố văn hoá, người châu Á thích rủi ro, chấp nhận đánh cược. “Lịch sử có thể không lặp lại chính xác nhưng đây là tín hiệu cho thấy sự tương đồng”, ông nói.
Nói về động thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian vừa qua, ông cho rằng xu hướng này sẽ thay đổi trong quý 2, quý 3 năm sau. Trên thực tế, khối ngoại tập trung bán 6 cổ phiếu lớn như HPG, VPB, VNM, VIC, CTG, SSI. Một trong những lý do là các quỹ muốn bán do nhà đầu tư gửi vào các quỹ này muốn chốt lời. Liệu MSCI có nâng hạng thị trường Việt Nam không? Ông Matthew Smith cho rằng khả năng 2024 mới được xét đến. Yuanta cũng dự báo VNIndex năm 2022 có thể đạt 1.898 điểm. Lạm phát có thể sẽ là thách thức lớn trong 2022, nói về việc phân bổ tài sản như thế nào cho hợp lý, ông Matthew Smith cho rằng không nên giữ tiền mặt nhiều. Nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu. Những tài sản cũng sẽ tăng giá trị khi lạm phát tăng như bất động sản, kim loại quý. Nhà đầu tư nên phân bổ vốn, không đầu tư tất cả vào một rổ, như một cách bảo hiểm khoản đầu tư.
Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng năm 2022, ngành bất động sản được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, ở trong khu đô thị cũng như ngoại thành với việc phát triển hệ thống cao tốc, metro…Tại thời điểm này, VHM là lựa chọn hàng đầu của Yuanta Việt Nam trong lĩnh vực này. Các mã nhỏ hơn có thể tiếp tục tăng, nhưng định giá đang ngày càng quá cao. Yuanta giữ quan điểm trung lập với lĩnh vực ngân hàng, MBB và VCB là những lựa chọn hàng đầu trong ngành. Ông Matthew Smith cho rằng, năm tới sẽ thấy có việc tái cơ cấu lại những khoản nợ, sẽ có biến động mảng thị trường ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mảng này.
Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Trong khi đó, CPI của khu vực đồng sử dụng đồng Euro (Eurozone) tăng kỷ lục 4,9%. Hơn 3/4 trong số những nước được Pew Research khảo sát có mức lạm phát trong quý 3/2021 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Theo Financial Times, trong năm nay, giới đầu tư đã rót số tiền kỷ lục hơn 66 tỷ USD vào các quỹ nắm giữ chứng khoán chống lạm phát của Chính phủ Mỹ, một loại trái phiếu có mệnh giá tăng giảm tương ứng với mức tăng giảm của lạm phát.
Ở Anh, nhu cầu đầu tư vào các tài sản chống lạm phát mạnh đến mức vào tháng trước, đợt bán đấu giá lô trái phiếu chính phủ chống lạm phát trị giá 1,1 tỷ bảng Anh, đáo hạn vào năm 2073 đã thu hút giới đầu tư đặt mua với mức lợi suất thấp nhất và mức giá cao kỷ lục. Ngoài ra, các “tài sản thực” như hàng hóa hoặc bất động sản cũng được giới đầu tư chú ý. Một quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa trị giá 4,5 tỷ USD của Công ty quản lý đầu tư Invesco, đang nắm giữ các hợp đồng tương lai theo dõi hàng hóa bao gồm: đồng, dầu thô và đậu nành, đã hút ròng 2,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 10, dòng vốn đổ vào quỹ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Tiền mã hóa cũng thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư đang tìm cách bảo toàn giá trị tài sản trước áp lực lạm phát. Tuy nhiên, giá Bitcoin giảm mạnh kể từ đầu tháng 11. Trong khi đó, vàng – vốn được coi là nơi trú ẩn tài sản an toàn trong những thời kỳ lạm phát tăng cao – đã không được giới đầu tư đánh giá cao khi các quỹ hoán đổi danh mục vàng hàng đầu trên toàn cầu bị rút ròng hơn 10 tỷ USD.
Năng lượng và lạm phát có mối liên hệ chặt chẽ với nhau vì chi phí năng lượng đóng vai trò lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Giá dầu hoặc khí đốt tăng, trực tiếp đẩy tăng chi phí tiêu thụ năng lượng cho người tiêu dùng, đồng thời gián tiếp kéo tăng chi phí hàng hóa do chi phí sản xuất và vận chuyển đắt đỏ hơn. Trong năm nay, dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư hàng hóa năng lượng tăng lên mức cao kỷ lục. Mike Sewell, Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, cho biết: “Các hàng hóa như dầu có xu hướng phòng thủ khá tốt nếu lạm phát được kỳ vọng tăng trong dài hạn”.
Tổng Hợp