Việc cấp tín dụng mới, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho đa số khách hàng bị ảnh hưởng dịch là quá khả năng của các ngân hàng, nếu tiếp tục nới lỏng điều kiện vay thì sẽ vô cùng rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng nhấn mạnh, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, vì vậy các ngân hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động. Để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp của ngành ngân hàng, theo bà Hồng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh khác theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, bởi khi hoạt động sản xuất – kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt và phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn ra thị trường. Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền lãi vay đã giảm của 16 ngân hàng thương mại (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ nền kinh tế) từ 15/7 – 31/10/2021 vào khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/202,1 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết (với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), qua đó cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, cho dù áp lực nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh. Tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,72% so với cuối năm 2020, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra nhận định, nhu cầu tín dụng tuy được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm kinh doanh quý IV/2021, nhưng sẽ khó bật mạnh như trước dịch trước sức hấp thụ vốn chậm của nền kinh tế hiện nay. “Do tác động lan tỏa và kéo dài của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng năm 2021 được dự báo sẽ khó đạt mức cao, vào khoảng 10%. Các nhà băng cũng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4% trong quý IV và tăng 12,3% cả năm 2021, thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III, theo kết quả điều tra quý IV/2021 của Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo của KBSV nêu rõ.
Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng, vấn đề tiếp cận vốn vay đến nay vẫn là bài toán nan giải và mong muốn có một cơ chế thông thoáng, rộng rãi hơn không chỉ về lãi suất mà còn về thủ tục, chính sách để tiếp cận nguồn vốn rẻ thuận lợi hơn.
Thực tế, ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng với bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đang trong xu hướng tăng nhanh như hiện nay, các nhà băng khó có thể nới lỏng điều kiện cho vay, thậm chí còn kiểm soát chặt chất lượng khoản vay để hạn chế tối đa nợ xấu tăng mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng. Việc cấp tín dụng mới, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho đa số khách hàng bị ảnh hưởng dịch là quá khả năng của các ngân hàng, nếu tiếp tục nới lỏng điều kiện vay thì sẽ vô cùng rủi ro. Do đó, các ngân hàng rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp để có thể chống đỡ với rủi ro, từ đó yên tâm triển khai kế hoạch cho vay.
Trước áp lực lạm phát, lãi tiết kiệm giảm, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn.
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng, trong khi thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn để hút tiền nhàn rỗi, nên gửi tiền tiết kiệm được cho là kém hấp dẫn hơn. “Các ngân hàng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khó tiếp tục giảm lãi suất. Vì thế, cấp bù lãi suất có lẽ là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Vấn đề là cần phương pháp triển khai phù hợp”, TS. Huỳnh Trung Minh chia sẻ. Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời mở rộng hoạt động cho vay trong mùa cao điểm cuối năm, nhiều ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room và được cấp thêm hạn mức tín dụng trên cơ sở năng lực của từng nhà băng.
Mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm mạnh trong thời gian qua. Đáng chú ý là, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đạt 15.559 tỷ đồng, bằng 75,48% so với cam kết. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)