Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước đề cập đến ba vấn đề chính và nó giống như “ba lằn ranh đỏ” phiên bản Việt (nhưng mức độ nhẹ) tạo van nắn dòng vốn tín dụng ngân hàng không chảy vào lĩnh vực nóng như trái phiếu, có thể gây bất ổn vĩ mô.\
Nhiều doanh nghiệp bất động sản thường dùng chiêu “tay không bắt giặc”, nhưng điều này lại không thể áp dụng khi vay vốn tại ngân hàng. Bởi lẽ, điều kiện vay vốn tại ngân hàng rất chặt (như: cần tài sản thế chấp, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả nợ…), vì vậy, phương án huy động vốn tốt nhất là thông qua phát hành trái phiếu.
Không phải ngân hàng nào cũng có nghiệp vụ và năng lực để làm tốt nghiệp vụ đầu tư. Rủi ro sẽ xuất hiện như kiểu Lehman Brothers đã phá sản, hoặc chỉ làm động cơ cho việc ngân hàng bơm vốn để thực hiện cho các tập đoàn liên quan nhằm thâu tóm công ty dự án bất động sản. Còn quy định không cho ngân hàng mua lại trái phiếu trong vòng 12 tháng sau khi đã bán lô/đợt trái phiếu mà ngân hàng đó đã bán trước đó, để tránh các ngân hàng dùng nghiệp vụ mua lại (repo) để bán đi (và cam kết mua lại) chỉ để có được room tín dụng mới lớn hơn về quy mô được giải ngân trong kỳ tới.
Thứ nhất, các ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ hoặc phát hành để thâu tóm doanh nghiệp khác.
Thứ hai, không được mua trái phiếu phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác, đây là nghiệp vụ LBO – Leveraged Buyout (vay để thâu tóm).
Thứ ba, không được mua lại trái phiếu vừa bán, chỉ được mua lại sau 12 tháng.
Việc không cho ngân hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp đã nằm trong nhóm nợ xấu theo phân loại của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) chủ yếu để tránh chiều ngược lại, tức là ngân hàng bơm tiền ra mua trái phiếu để doanh nghiệp trả nợ ngân hàng khác. Hiểu đơn giản, hạn chế đảo nợ và tiền cứ lòng vòng trong hệ thống thay vì đi vào sản xuất kinh doanh.
Không cho ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp là để tránh hiện tượng đảo nợ giữa tín dụng và trái phiếu. Đồng thời, việc ngân hàng bơm tiền ra để giúp doanh nghiệp trả nợ cho trái chủ thì cũng rủi ro hơn cho hệ thống ngân hàng, vì chưa có đánh giá tín nhiệm hoặc không rõ doanh nghiệp dùng tiền làm gì một cách cụ thể như yêu cầu của hoạt động tín dụng cho vay thông thường.
Một báo cáo của FiinRatings cũng chỉ ra, trong bối cảnh kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, kênh trái phiếu sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhất là doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Tuy nhiên, năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết hiện đang rất yếu. “Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động”, FiinRatings nhấn mạnh. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần, trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Hiện, cơ cấu trái phiếu chiếm khoảng 46% tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản, do đó chất lượng tín dụng của các đơn vị này không chỉ là vấn đề của thị trường trái phiếu mà còn ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Khi phát hành trái phiếu, dòng tiền của doanh nghiệp cũng không bị kiểm soát. Nó có thể được doanh nghiệp phát hành tùy ý sử dụng mà các trái chủ không thể biết. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư huy động trái phiếu để hoàn thành một dự án nhưng lấy khoản tiền đó để mua dự án khác, hay đem tiền đi đầu tư. Điều này dẫn đến việc, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu có dòng tiền âm, ngoại trừ dòng tiền tài chính đang được hỗ trợ từ tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, tăng trưởng trên thị trường chứng khoán đang nóng và khó dự báo trong năm 2022, lạm phát đang là mối đe dọa lớn với thị trường. Các nhà đầu tư dường như đang đứng giữa ngã ba đường, nửa muốn đầu tư bảo toàn vốn, nửa muốn đầu tư để sinh lời (đầu tư vào sản xuất, chứng khoán) mà không biết cân nhắc thế nào.
Mười tháng đầu năm nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu thị trường về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4% toàn thị trường. Con số trên được Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) vừa công bố, còn theo một thống kê khác của FiinRatings, tính đến hết tháng 6/2021, trái chủ của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là ngân hàng với 28,5% tổng giá trị phát hành tại nhóm này.
Theo các chuyên gia, Thông tư 16 chỉ tập trung vào giao dịch trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Tức, thông tư này không ảnh hưởng đến các giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp của trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành. Và với tỷ lệ sở hữu như đã nêu trên, các chuyên gia cho rằng, động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn vốn tín dụng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Tại sao phải quy định như vậy?
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)