Hiện tại áp lực lạm phát sẽ tăng, cần chi mạnh tay để “cứu” kinh tế, nhưng cần xem xét thận trọng đường đi của dòng tiền, rót vào đâu cho hiệu quả, rồi cơ chế giám sát làm sao để tránh lãng phí, tham nhũng…
Nỗi lo về lạm phát là bài toán lớn được tính đến khi bàn về gói hỗ trợ, dưới góc nhìn của các chuyên gia. Các nước trên thế giới khi thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế thì tính toán lạm phát và bất ổn vĩ mô cũng được bàn tới rất kỹ. Lạm phát năm nay dự báo vẫn dưới 4% thì chưa phải quá đáng lo, năm nay cầu thấp. Nhưng sang năm thì áp lực không hề nhỏ bởi vì giá dầu, giá than, giá nguyên nhiên vật liệu đều tăng cả. Cả thế giới tăng, và Việt Nam thì nhập khẩu rất lớn.
Các chuyên gia tính toán để hỗ trợ cho an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Việt Nam cần một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn khoảng 3% đến 4% GDP, trong đó có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và có thể vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Còn nếu mà gói hỗ trợ không đủ lớn có thể làm cho nền kinh tế chậm phục hồi và lỗi nhịp phát triển so với các nước và có thể kéo theo nhiều hệ lụy.
Các vấn đề có thể gặp phải về bong bóng chứng khoán, bất động sản khi bàn tới gói kích thích. Đây là nỗi lo của cả thế giới khi kinh tế thực không tăng trưởng. Việt Nam cũng cần hết sức thận trọng, cân nhắc về các vấn đề này. Báo cáo trước Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2021 khả năng đạt được chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra có thể đạt được. Hiện nay đến hết tháng 10 lạm phát mới tăng 1,81%.
Tuy nhiên theo bà Hồng, trong năm 2022 rủi ro lạm phát đang có một áp lực rất là lớn. Đối với các nền kinh tế của thế giới thì đã dần phục hồi khi chiến lược tiêm vaccine bao phủ, cho nên giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng gia tăng. “Có thể nói rằng với nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất là lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã là lên 200%, cho nên có áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu, như một đại biểu hôm qua đã phát biểu. Cho nên, có thể nói rằng đối với áp lực lạm phát cũng như áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất lớn”, bà Hồng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang tiếp cận theo hai kịch bản đó là không và có chương trình phục hồi này. Từ đó xác định mức nợ công bội chi, lạm phát cho từng kịch bản. “Bộ đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách về tài khóa và tiền tệ như thế nào. Khả năng huy động, phân bổ sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế ra sao”, ông Dũng thông tin.
Khi đề cập đến gói hỗ trợ này, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những báo cáo cụ thể trước Quốc hội liên quan đến chính sách, các công cụ để thực hiện chính sách tài khóa như thuế, thu ngân sách, nợ, chi ngân sách. Việc kết hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ theo ông Phớc, cần hợp lý, linh hoạt để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Ông cũng đưa ra thông tin đáng chú ý về kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc phát hành công trái, trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Gói này dự kiến huy động khoảng 180.000 tỷ đồng trong 2 năm. Tuy nhiên, một điều Bộ trưởng Tài chính “hết sức băn khoăn” là khi chúng ta có tiền rồi thì tiền này nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào?
Thực tế, việc Bộ trưởng “hết sức băn khoăn” cũng là nỗi lo của nhiều chuyên gia kinh tế khi bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)